QuocHung's Blog

24 thg 7, 2009

Kẻ ăn không hết, người lần không ra

TT - Lâu nay, cứ tưởng nhà và đất công còn rất ít hay đã hết nên khó tìm được nhà đất công mà xây trường, xây bệnh viện. Đành an ủi nhau thôi thì người bệnh, người học phải thông cảm hoàn cảnh mà đành chịu chật chội vậy. Trường quốc tế, bệnh viện quốc tế có được là nhờ nước ngoài có nhiều tiền, mua đất của dân với giá cao mà xây nên.

Đọc các bài nói về nạn các đại gia ôm nhà, đất công trên báo Tuổi Trẻ các số gần đây mới biết nguyên nhân lại không đơn giản như vậy. Hóa ra vài chục năm nay đã có nhiều tổng công ty, công ty ôm hàng loạt cơ sở nhà đất công, trong đó có những nhà ở các vị trí đắc địa, có những mảnh đất rộng hàng ngàn, chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn mét vuông rồi dùng không hết nên bỏ quên hay cho thuê kiếm tiền bỏ túi, thậm chí bán đi để trả nợ khi làm ăn thua lỗ hoặc chờ cổ phần hóa để có tiền mà xài ngông.

Những thủ trưởng các đơn vị “có máu mặt” này chắc chắn không thể không biết ở thành phố thì tấc đất là tấc vàng và rất nhiều cơ sở công đang cần đất. Dám chắc những vị này từng tỏ ra cảm thông trên lời nói trước cảnh bệnh nhân chen chúc rồng rắn khám bệnh, hai người chia nhau cái giường để nằm, từng kêu ca ngành giáo dục sao để thiếu trường học khiến con cháu mình phải đi học xa, sĩ số mỗi lớp vượt xa quy định khiến chất lượng không bảo đảm...

Dám chắc khi học nghị quyết, nhiều người trong số các vị này đã hùng hồn phát biểu hết lòng ủng hộ chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, chủ trương chăm sóc sức khỏe người dân... Không hiểu khi nói như vậy, những người này có nhớ đến hàng loạt căn nhà, mảnh đất bỏ không của mình hay đang cho thuê không đúng chức năng hay không. Chắc là không, vì có vị còn xem đó là thành tích “giữ đất” hàng 30 năm cho Nhà nước và thành tích này đáng được tưởng thưởng bằng cách được giữ luôn nữa kia.

Quốc hội có cử các đoàn giám sát đến cũng chỉ nhận được những lời giải thích vòng vo, nại khó khăn này khác, né tránh trách nhiệm, thậm chí đổ ngược trách nhiệm cho cơ quan cấp trên. Trước thực trạng này, có cảm tưởng như các vị thủ trưởng của những cơ quan “bỏ quên nhà đất công” này thiếu tôn trọng (nếu không muốn nói là đang thách thức) các đại biểu Quốc hội và những người dân đã giao cho các vị đại biểu này quyền giám sát, chất vấn.

Người dân và các cơ quan dân cử có thể nào chấp nhận kéo dài tình trạng này không? Các tổ chức Đảng mà các vị thủ trưởng này là đảng viên có thể nào dửng dưng trước tình trạng này không? Lãnh đạo cấp trung ương và thành phố có thể xem đây là chuyện nhỏ để bỏ qua không? Hi vọng là không, bởi người dân thường cũng có thể thấy rõ hậu quả mà xã hội phải gánh chịu và lợi ích riêng mà các đại gia này được hưởng là gì.

Vấn đề bây giờ là sớm có biện pháp chấm dứt cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” trong lĩnh vực nhà đất công này. Bởi vì xã hội mà ta đang cố gắng xây dựng phải là xã hội có tiêu chí đầu tiên là công bằng.

TS HỒ THIỆU HÙNG