Tôi quen Phan Thị Bích Hằng qua Vũ Huy Hùng. Chú Hùng là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội mà từ lâu tôi quý như em.
Đắc Trung
1
Thật ra từ trước đó mấy năm, được nghe không ít người nói, đọc không ít bài viết và qua không ít băng ghi âm, ghi hình về Phan Thị Bích Hằng cùng một số nhà ngoại cảm khác như Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Nhã ... với những khả năng đặc biệt kỳ diệu của họ và bằng những khả năng Trời ban ấy họ đã làm được biết bao việc đức, tìm được hàng vạn hài cốt liệt sĩ, hàng trăm phần mộ thất lạc đem hạnh phúc vô giá cho biết bao gia đình. Trong thâm tâm tôi rất kính phục họ`và muốn có dịp được làm quen để tỏ lòng ngưỡng mộ, để tìm hiểu về họ, về ngoại cảm - một lĩnh vực khoa học rất mới mẻ này. Nhưng cho đến lúc ấy tôi chỉ mới “có duyên” được thân thiết với anh Đỗ Bá Hiệp. Giờ được Hùng nhận lời giới thiệu với Phan Thị Bích Hằng, tôi mừng lắm.
Tối 12 tháng 2 năm 2006 Hùng đón. Hai chúng tôi đến thăm Bích Hằng ở nhà riêng. Đã hẹn trước, cả nhà đón tiếp rất vui vẻ. Tuấn, chồng Hằng, kỹ sư điện tử viễn thông, đẹp trai, hiền, ít nói. Hai “cậu cưng” 7 tuổi và 3 tuổi rất xinh và hiếu động. Hằng da trắng, mũi thẳng, mắt đen, dịu dàng. Chỉ tiếp xúc mươi phút thôi cũng nhận ra ngay đó là một cô gái thông minh và tháo vát. Hằng kém con gái đầu của tôi hai tuổi. Vợ chồng Hằng rất thân với Hùng. Sau đó qua trò chuyện lại biết thêm tôi đã từng quen bố của Hằng khi ông còn công tác trong quân đội. Thế là chú cháu chúng tôi trở nên thân thiết.
Rồi tôi và Hùng về quê Hằng ở Yên Khánh, Ninh Binh thăm bố cô khi ông đau bệnh, về chia buồn tiễn biệt khi ông qua đời. Hàng năm trời anh em, chú cháu chúng tôi gặp gỡ giao lưu. Được nghe Hằng kể về mình, được những người bạn gần gũi kể về cô và đặc biệt được nghe mẹ của Hằng, một cô giáo dạy văn rất khiêm nhường, nhân hậu và chân thật kể về Hằng từ bé đến lớn, nhất là những năm tháng tai hoạ giáng xuống. Hằng bị chó dại cắn phát bệnh, lên cơn tưởng không qua khỏi. Rồi những lời thị phi ác khẩu vu cho Hằng tuyên truyền mê tín dị đoan, thậm chí bị công an bắt tạm giữ... Để trở thành nhà ngoại cảm đem tâm sáng, lòng thiện giúp đời như bây giờ bản thân Hằng và cả gia đình cô đã phải gánh chịu biết bao đau khổ, bất hạnh ...
Chắp nối các chuyện đã nghe, các bài đã đọc và hình ảnh đã xem có thể tóm lược những nét chính về Phan Thị Bích Hằng với tư cách nhà ngoại cảm như sau.
Năm 1989, mười tám tuổi, Hằng và cô bạn thân cùng bị một con chó cắn. Ở nông thôn bị chó cắn là thường, chẳng mấy bận tâm. Không ngờ khoảng một tháng sau cô bạn đột nhiên phát bệnh, người co giật, hàm răng cứng lại. Hằng đưa bạn đi bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bị bệnh dại. Hằng bàng hoàng: “Đúng như vậy. Cháu và bạn ấy cùng bị một con chó cắn”. Hoang mang cực độ, cảm thấy tử thần đã xiết chặt cổ mình , hôm sau Hằng cũng hôn mê bất tỉnh còn cô bạn thì qua đời.
Gia đình đôn đáo đưa cô đi chữa trị cả đông y, tây y, nhưng chỗ nào cũng lắc đầu bất lực. Khi đến nhà một lang y theo đạo Thiên Chúa, xem xét kỹ bệnh xong, ông nói: “ Chúa lòng lành sẽ che chở co con”. Rồi sai người con trai ra nghĩa địa lấy một mảnh ván thôi mới bốc mộ lên đem về, ông bào chế cùng mấy vị thuốc cho Hằng uống. Ông bảo với người nhà cô: “Sau ba tiếng đồng hồ cháu sẽ cảm thấy nóng khắp người, rồi sốt mê man, nói sảng, thậm chí lên cơn điên cắn xé. Nếu ba ngày sau cháu hết cơn thì sống, còn nếu lên cơn trở lại thì không cứu được”. Đúng như thày nói, 9 giờ tối hôm ấy Hằng lên cơn dại, cắn xé điên cuồng. 11 giờ đêm thì thiếp đi. Hai hôm sau không có biểu hiện gì, người khoẻ dần. Ngày thứ ba Hằng đòi theo người anh trai cô bạn đã mất ra mộ thắp hương, bỗng cảm thấy luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, cô rùng mình lo lắng nói: “ Anh đưa em về ngay. Em sắp lên cơn dại rồi”. Từ đấy Hằng không còn biết gì nữa và đến 1 giờ sáng hôm sau cô hoàn toàn tắt thở. Cả nhà đau đớn gào khóc. Họ hàng bàn việc hậu sự, khâm liệm. Không khí tang tóc bao trùm. Trong làng có một cụ già nhiều chữ Hán, giỏi tử vi, hỏi giờ sinh, ngày sinh ... Sau một hồi tính toán, cụ bảo: “ Chưa qua giờ Thìn chưa được khâm liệm cháu. Cứ để cháu nằm thế không được thắp hương. Chắc chắn nó không chết đâu”. Lời cụ nói chỉ gợi tia hy vọng mỏng manh. Thôi thì ai ngồi bên cháu theo dõi, chờ đợi cứ ngồi, còn ai lo việc tang lễ cứ lo.
Mấy ngày trước, khi người bạn gái qua đời, Hằng luôn trong tâm trạng bi quan tuyệt vọng. Có lần cô hỏi bố: “ Bố ơi, vì sao những vị lãnh đạo chết người ta lại bắn mấy loạt đại bác ?”. Bố bảo: “Để linh hồn sớm siêu thoát, con ạ”. Hằng buồn rầu nói trong nước mắt: “ Nếu con chết bố bắn cho con bẩy phát đạn để con mau siêu thoát , mau trở về với gia đình, bố nhé”. Cô chỉ thấy bố nghẹn ngào.
Bẩy giờ sáng hôm sau bố Hằng mới về đến nhà. Nhìn con gái nằm bất động lòng ông tan nát. Trong nỗi đau tột cùng, nhớ lời con, ông rút súng khỏi bao và không chỉ bẩy viên mà có bao nhiêu đạn ông bắn hết lên trời. Không ngờ tiếng nổ làm Hằng bừng tỉnh, bật dậy, lao về phía bố: “Bố ơi!”. Đạp phải những vỏ đạn cô ngã vật xuống sân và lại lịm đi. Trong khoảng nửa giờ sau đó Hằng cảm thấy mình ở trạng thái không trọng lượng, bay lơ lửng, nhìn rõ một cây cầu bắc qua dòng sông. Bên này bà nội cầm tay cô níu lại, bóng bà ngoại bên kia vẫy gọi sang. Sương mờ như khói bao phủ. Chập chờn trong đó hình bóng nhiều người khác mà cô không biết là ai. Hằng cố vùng vẫy và tuột khỏi tay bà. Hoảng sợ, cô kêu to: “Bà ơi !” và bàng hoàng tỉnh dậy. Cô lần lượt nhận ra từng người xung quanh mình.
Việc Hằng sống lại đúng là kỳ lạ. Cả nhà, cả họ tràn ngập niềm vui. Khắp làng, khắp xã truyền nhau chuyện chưa từng có ấy.
Mấy tháng sau, Hằng khoẻ hẳn. Tuy nhiên cô cảm thấy trong mình có những dấu hiệu khác thường. Gặp ai nếu người đó đoản mệnh, thì dường như có tiếng nói mơ hồ mách bảo với cô rằng họ sắp chết và rồi cũng như có sự xui khiến khó cưỡng nổi cô báo cho họ biết. Không ít lần Hằng bị chửi mắng, có khi xuýt ăn đòn vì họ cho cô là “con điên” độc mồm, độc miệng. Ở làng có ông Vũ Văn Trác, hơn 50 tuổi, hiền và rất quý cháu Hằng. Một hôm gặp ông từ ngoài đồng về, Hằng bảo : “Ông ơi, ông sắp chết rồi, ông đừng đi làm nữa cho khổ”. Bị con bé “độc mồm” rủa thế, ông Trác nổi khùng cầm roi trâu đuổi đánh. Hằng vừa chạy vừa tức tưởi khóc : “ Cháu bảo ông chết thật mà ông không tin cháu à. Chờ mấy ngày nữa sẽ biết. Chỉ từ nay đến 15 tháng 7 thôi”. Hôm ấy bao nhiêu nguời chứng kiến vừa cười trêu ông Trác vừa thương con bé. Quả nhiên chỉ mấy tuần sau, đúng 2 giờ chiều ngày 15 tháng 7 loa truyền thanh thông báo tin ông Vũ Văn Trác qua đời. Chuyện này khiến cả làng chưa hết kinh ngạc thì tiếp đến việc Hằng gặp chú Bùi Văn Chai, là chủ nhiệm Hợp tác xã thêu xuất khẩu xã Khánh Hoà ở giữa hội trường Uỷ ban, lúc ấy rất đông người. Nhìn chú, Hằng bảo: “Đến tháng giêng là chú chết đấy”. Chú Chai bực lắm, còn mọi người thì xì xào bàn tán. Không ngờ đầu tháng giêng chú Chai chết thật.
Chuyện lan đi rất nhanh. Họ cho Hằng bị “ma ám”, nói ai chết là người ấy chết. Tất cả xa lánh cô. Nhìn thấy Hằng từ xa là bỏ đi. Hằng vô cùng đau khổ, cả gia đình buồn bã đưa cô đi các bệnh viện khám chữa thần kinh. Đến hết đền này phủ nọ kêu cầu cúng vái. Mặc dù Hằng ra sức giải thích rằng mình vẫn khoẻ, thần kinh không làm sao cả. Những chuyện đó là do cô nhìn thấy, cảm thấy, nghe thấy bóng người âm nào đó mách bảo cô nói ra và chính cô cũng không biết vì sao mình có khả năng ấy. Nhưng không ai tin.
Bị mọi người xa lánh, thậm chí ghê sợ Hằng buồn khổ vô cùng. Cho đến một hôm vào ngày giỗ bà nội, Hằng nhìn thấy bà, trên tay bế một đứa trẻ, theo sau một đứa bé nữa. Cô kể lại cho mọi người nghe. Ông nội nghe xong ngậm ngùi nói hai đứa trẻ đó là con ông. Một chết khi ba tuổi, một chết khi mới được tám tháng. Hằng có người chú ruột. Trong gia đình chú ai cũng mắc chứng bệnh rất lạ: teo một chân, ngoẹo một bên đầu mà đều ngoẹo về bên phải. Hằng sang chơi và nói với chú rằng cô nhìn thấy bóng người rất lạ luôn đi lại trong vườn nhà chú. Hình như đến lúc này chú đã hơi tin khả năng đặc biệt của Hằng. Thế là hai chú cháu đem xà-beng, cuốc, xẻng ra vườn đào, chỗ gần bụi tre, nơi Hằng thấy lần nào bóng người lạ đến đấy là biến mất. Đào sâu chừng hơn một mét thì gặp lớp ngói đã mục, rồi đến lớp đất đỏ. Gạt hết lớp đất đỏ thấy lộ ra khối hợp chất rắn gồm vỏ hến, vôi trộn với mật, loại vật liệu truyền thống, chắc như bê tông. Đó là quách. Phá lớp quách thấy bên trong là cỗ quan tài bằng gỗ quý trạm trổ rất đẹp. Bật nắp quan tài Hằng thấy hình một người đàn ông nằm dài bất động trong lớp nước vàng sánh. Hằng vừa thò tay xuống, lập tức bóng người đàn ông tan ra, biến mất. Trong quan tài chỉ còn lại hài cốt cùng những đồng tiền cổ đã ố rỉ kết chặt với nhau và nhiều vật dụng khác như ngựa đá, dao nhọn...
Vụ việc được báo cáo lên xã, rồi lên huyện...( sau này các nhà nghiên cứu văn hoá xác định đó là mộ một vị tướng triều nhà Trần có từ 700 năm trước ). Càng ngày Hằng càng nhận ra rằng dường như có một điều kỳ diệu ào đó, một khả năng bí ẩn nào đó xuất hiện trong nhận thức của cô và cô rất muốn thử nghiệm. Gia đình Hằng thất lạc ngôi mộ cụ tổ. Nhiều năm nay ông nội và bố cô đã mất không ít công sức đào tìm mà không thấy. Hôm ấy đúng ngày giỗ cụ. Hằng thắp hương chắp tay khấn niệm cầu xin cụ phù hộ rồi đi tìm. Cô đi. Tỉnh mà như mơ và rồi cô nhìn thấy mộ cụ nằm sâu trong lòng đất ngay gần đường cái. Hằng đào, mấy người nhà ra cùng đào, rồi bà con kéo đến. Mọi người hồi hộp chờ đợi “ xem con bé dở hơi này nó nói có đúng không”. Hố sâu chừng gần 2 mét thì xuất hiện một tấm gỗ có khắc hai dòng chữ Hán. Hằng lấy lên, rửa sạch đem về cho ông nội. Ông nội đã tám mươi tuổi, xúc động đọc: “Âm thuỷ quy nguyên. Vinh quy bái tổ” rồi nghẹn ngào: “Đúng mộ ông nội tôi đây rồi”. Ông khóc. Khóc nức nở, nước mắt chảy dài qua gò má nhăn nheo khiến con cháu cũng khóc theo. Đã bao nhiêu năm nay lòng ông luôn canh cánh xót xa vì để mất mộ cụ. Ngờ đâu nay lại do chính cháu ông tìm thấy. Thế này là nhà ông đại phúc rồi.
Sau hàng loạt sự kiện như thế, không chỉ Hằng, mà nhiều người đã bắt đầu tin rằng khả năng đặc biệt kỳ diệu ấy xuất hiện trong cô là thật. Họ không xa lánh cô nữa, không gọi cô là “con dở hơi” bị “ma ám” nữa, nhìn cô với ánh mắt vừa thân ái, vừa quý nể. Có người nhìn thấy Hằng từ xa đã chắp tay vái: “Lạy cô, xin cô...”, coi Hằng là hiện thân của đấng thiêng liêng đầy quyền bí. Nhiều gia đình trong làng, trong xã đến gặp nhờ cô tìm mộ và Hằng đã giúp họ tìm được không ít mộ thất lạc rất chính xác.
Bà con nhân dân tin, nhưng chính quyền địa phương không tin, gán cho cô tội “truyền bá mê tín dị đoan”, dùng áp lực gây nhiều khó khăn cho cô. Bố cô, một đại tá quân đội nghỉ hưu giữ chức Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh bị đem ra kiểm điểm, kỷ luật. Có ý kiến đòi đưa ông ra khỏi Đảng vì để con gái “hoạt động trái pháp luật”. Rất may cũng thời gian đó, được biết về khả năng ngoại cảm của Hằng (ngành khoa học mà nhiều nước trên thế giới đang tổ chức nghiên cứu) Viện khoa học thể dục thể thao và một số nhà khoa học thuộc Bộ Văn hoá thông tin về mời Hằng làm cộng tác viên. Để chứng minh khả năng đặc biệt của Hằng là thật, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát khu Chùa Dầu được coi là rất cổ tọa lạc ngay trên đất của xã cô. Bằng khả năng nhìn xuyên đất biết được những gì ở dưới, thấy được bóng “linh hồn” người chết, hơn nữa còn nghe và hiểu được lời “linh hồn” nói, kể cả những nhân vật lịch sử đã qua đời từ nhiều thế kỷ trước... Khảo sát, khai quật, đối chiếu với sử liệu cùng những câu chuyện được truyền lại từ bao đời nay ở vùng quê ấy các nhà nghiên cứu xác định những thông tin Hằng cung cấp là chính xác. Chùa Dầu được xây dựng từ triều Trần cách ta khỏang 700 năm, di vật còn lại và tìm được thuộc loại quý hiếm vô giá. Đây chính là một trung tâm tín ngưỡng, văn hoá của tổ tiên, ông cha ta. Báo cáo khoa học được gửi lên Huyện, lên Tỉnh, rồi lên Trung ương và Chùa Dầu được Nhà nước công nhận là “Di tích lịch sử văn hoá”.
Sự kiện trên rất quan trọng đối với Bích Hằng, đã cứu cô, cứu gia đình cô khỏi áp lực của búa rìu dư luận, gỡ bỏ được sự phong toả, giúp mọi người hiểu cô, tạo điều kiện để cô được đem khả năng đặc biệt Trời ban ấy làm việc thiện giúp đời, dù lúc này khả năng của cô mới chỉ là nhìn thấy hài cốt, di vật trong lòng đất, thấy được hình bóng “ linh hồn”, nghe và hiểu được lời “linh hồn” nói. Để rồi từ đó khả năng của Hằng càng được tích lũy, được nâng cao.
Do phải lo chữa bệnh, Hằng chỉ còn đúng 15 ngày ôn thi. Vậy mà kết quả không ngờ : cô đạt gần 24 điểm vào Trường Đại học kinh tế quốc dân. Những năm là sinh viên Hằng học giỏi, khả năng ngoại cảm không giảm mà ngày càng được nâng lên. Cô vẫn giúp không ít gia đình tìm được mộ, nhất là thực hiện nhiều chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ đạt kết quả cao.
Đặc biệt thời kỳ này Hằng nhận ra mình có khả năng nhìn rõ hơn, nghe rõ hơn, không những thế còn giao tiếp, trao đổi được với “linh hồn”. Ấn tượng nhất là trường hợp cô “gặp” và “trò chuyện” với “vong” mẹ giáo sư Mai Hữu Khuê. Lần ấy, đang đi tìm mộ, khi đến gần vũng trâu đầm Hằng bỗng “gặp” linh hồn một bà cụ. Bà cụ dáng hơi còng, đứng đối diện cô, miệng lắp bắp. Hằng lên tiếng : “ Cụ ơi, cụ nói gì đấy ạ ?”. Bỗng bên tai cô vang lên rất rõ: Cháu ơi, bà tên là Kình, nhờ cháu nhắn cho con, cháu bà là mộ bà ở đây... Con bà tên là Khuê.... Hằng mừng vô cùng. Lần đầu tiên cô nhìn thấy “linh hồn” rõ như thế, từ dáng người, nét mặt, màu da, mái tóc, gò má, khoé miệng... Lần đầu tiên cô nghe được giọng nói của “linh hồn” rõ như thế và trò chuyện với “linh hồn” gần gũi thân thiết như thế.
Hằng kể lại việc đó với dân làng. Bà con bảo: Đúng, làng có bà Kình đã chết từ lâu. Con trai bà tên là Mai Hữu Khuê là giáo sư dạy Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội. Đã nhiều lần ông Khuê về tìm mộ mẹ mà chưa thấy. Tin này được nhắn tới ông Khuê. Ông Khuê đến gặp Bích Hằng và cô đã giúp ông tìm được mộ mẹ ngay cạnh vũng trâu đầm ấy.
Từ khi có thêm khả năng “giao tiếp” được với “linh hồn” người chết, cánh cửa đưa Hằng vào thế giới tâm linh càng rộng mở. Trong các chuyến đi tìm mộ cô “gặp” rất nhiều “linh hồn” đi theo. Có khi họ quây túm quanh cô tranh nhau nói: Tên tôi là ...quê ở ... người nhà tôi tên là ... hiện đang ở ... nhờ cháu (nhờ cô)...nhắn giúp ... Thế là để đến được ngôi mộ cần tìm cô phải “tiếp chuyện” với biết bao “linh hồn”, ghi chép lại lời nhắn để rồi tìm cách báo cho thân nhân của họ.
Một lần đi tìm mộ ở Thái Nguyên cô “gặp” một “linh hồn” đàn ông. Người này tự giới thiệu là nhà báo Thôi Hữu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. “ Linh hồn” nhà báo nói rằng: Cháu ơi, ở bên kia đồi có hài cốt một người đức cao vọng trọng, một chí sĩ yêu nước lớn là cụ Lương Ngọc Quyến. Cháu cố gắng giúp... Nhờ các thông tin ấy mà cô tìm được cháu nội cụ Lương Ngọc Quyến ở Hà Nội là Lương Quân và giúp anh tìm được mộ cụ.
Cũng từ khi Hằng có khả năng “giao tiếp” với người âm mà bộ môn “Cận tâm lý” thuộc “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người” đã có đề tài khoa học mã số KT.06 thử nghiệm phương pháp “tìm ngược”. Nghĩa là trước đây mọi thông tin đều do người sống cung cấp để đi tìm người chết, thì nay mọi thông tin lại do người chết cung cấp để đi tìm người sống và đã đem lại kết quả rất khả quan. Độ chính xác cao. Mở ra hướng nghiên cứu mới đầy tiềm năng và hấp dẫn. Như trường hợp Bích Hằng tìm được mộ sư Tổ ở Chùa Vua, phố Thái Thịnh (Hà Nội). Khuôn viên Chùa Vua trước đây rất rộng, vì thế khi sư Tổ qua đời thi hài được an táng ngay trong đất nhà Phật. Rồi dân số tăng, đô thị hoá nhanh, đất lên giá, người dân quanh chùa đua nhau lấn chiếm làm nhà. Mộ sư Tổ vì thế thất lạc mất.
Bích Hằng đến, thắp hương khấn mời. Sư Tổ về “gặp” cô. Cụ nói: cụ tên là Hoàng Đình Điều, quê Lạng Sơn, từng là tướng quân Yên Thế dưới quyền chỉ huy của cụ Đề Thám. Cụ Đề Thám và cụ đều bị giặc Pháp bắt. Nhưng rồi cụ trốn được về trụ trì chùa này. Dù xuất gia ăn chay niệm Phật nhưng cụ vẫn hoạt động cách mạng, nuôi dấu nhiều cán bộ bí mật, trong đó có cụ Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ uỷ Trung kỳ, người lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. ( Thật cơ duyên, năm 2002 chính Bích Hằng đã tìm được mộ cụ Nguyễn Phong Sắc. Nhà nước đã xây mộ, đúc tượng cụ đặt tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ). Lúc ấy Hằng còn nhìn thấy phía sau cụ có tới mấy trăm “linh hồn” môn đệ của cụ đều là nghĩa quân đứng theo hàng ngũ nghiêm trang. Họ tranh nhau nói, tỏ ra rất bất bình vì cụ có công lớn với đất nước vậy mà người đời không ai biết đến để người ta lấn chiếm đất chùa xây nhà đè lên đầu, lên thân cụ. Sư Tổ thong thả nói: Làm được việc tốt cho đời là quý, chứ cái thân xá lợi thì có nghĩa lý gì ... Vừa lúc ấy Hằng thấy “linh hồn” cụ Nguyễn Phong Sắc về. Cụ nói với Bích Hằng: Để sư Tổ nằm thế là không được, ngay dưới nhà vệ sinh của người ta. Người ăn mày chết còn được chôn cất tử tế, đằng này cụ là ... Sư Tổ phàn nàn rằng hai gia đình làm nhà đè lên cụ đều gặp những tai ương, kẻ thì chết bất đắc kỳ tử, người thì ốm đau bệnh tật làm ăn thất bát. Cụ thương họ lắm. Làm người xuất gia tu hành cụ không muốn chúng sinh đau khổ, nhưng những nghĩa quân của cụ do bất bình mà họ bảo nhau trừng phạt, cụ khuyên không được. Sau đó, một phần do Bích Hằng cầu khẩn, phần nể lời cụ Nguyễn Phong Sắc và anh em nghĩa binh sư Tổ mới cho Hằng biết hiện cụ đang nằm ở dưới hai ngôi nhà, chứ chỗ nhà chùa đắp đất thắp hương là không phải đâu... Ngày còn sống mỗi khi luyện võ xong cụ và thủ lĩnh Đề Thám thường cùng nhau uống rượu chén tạc, chén thù. Cái nậm rượu cụ luôn đeo bên mình. Khi chết người ta chôn theo. Nằm trong đất xương cốt có thể mục nát, chứ cái nậm rượu thì không... Nhờ những thông tin ấy mà Hằng đã giúp nhà chùa tìm được mộ sư Tổ.
Lần đi tìm mộ anh bộ đội ở Vĩnh Thạnh, Bình Định. Khi đào gặp hài cốt lại thấy trước ngực có phù hiệu quân nhân ngụy mang tên trung tá Nguyễn Hữu Tuý. Bà con người địa phương ra chứng kiến rất đông. Mọi người trao đổi với nhau hay là anh bộ đội cải trang lính nguỵ và bị hy sinh ? Bên tai Bích Hằng bỗng vẳng đến giọng một “linh hồn”: Không phải. Tôi nằm bên này cơ ... Cùng lúc ấy một anh trong đoàn đi đào mộ (anh là xã đội trưởng) nhào tới, cầm chiếc phù hiệu xem, rồi hét lên : “ Thằng Tuý. Đó là thằng Tuý. Chính tên ác ôn này đã giết ba tui. Tau phải băm vằm mi ra mới hả”. Vừa nói anh vừa cầm chiếc đầu lâu tên Tuý ném xuống suối. Anh khoẻ quá, phản ứng quyết liệt quá khiến không ai kịp cản lại. Anh kể năm ấy anh mới mười tuổi, đã tận mắt chứng kiến bọn lính ngụy trói, rồi đóng đinh ba anh vào cây dừa và chính tên Tuý này đã dùng dao găm rạch bụng ba anh moi hết tim gan ra ngoài. Khi ấy ba anh là cán bộ Ban tuyên huấn xã. Căm thù bốc lên, anh lấy hòn đá đập tới tớp vào đống xương đã mục. Mấy người cố giữ lấy anh, hết mực khuyên can : người ta bây giờ cũng chỉ còn là nắm xương tàn. Dẫu có hành hạ nắm xương ấy thì ba anh cũng không thể sống lại được. Tốt nhất là rộng lòng tha thứ, bốc lên chôn cất lại cho người ta tử tế, rồi người ta sẽ hối hận với những tội ác đã gây ra... Mặc mọi người khuyên, anh vẫn kiên quyết: “Ai làm việc đó thì làm. Chớ tui nhất định không có làm”. Những người dân ở đây đều đã biết , đã chứng kiến bọn lính ngụy giết hại, moi gan bố anh xã đội trưởng cùng sáu cán bộ cách mạng khác nên cũng rất căm phẫn, nhất định không chịu bốc chôn cất lại hài cốt tên lính ngụy. Cuối cùng Bích Hằng phải bỏ tiền ra Quy Nhơn mua chiếc tiểu về, bỏ hài cốt tên Tuý vào đấy rồi mai táng. Nhưng khi cô đặt bát hương lên, người trong làng lại xô đến ném bát hương xuống suối. Đúng lúc ấy “linh hồn” đồng chí bộ đội mà nhóm của Hằng đang tìm mộ anh hiện lên, nhờ cô nói với mọi người rằng: Chiến tranh đã qua lâu rồi, mọi thù hận cũng nên khép lại bằng tấm lòng độ lượng. Nếu bà con cô bác không thắp hương anh ta thì tôi sẽ không cho tìm thấy mộ tôi đâu. Cứ thắp cho anh ta nén hương thì anh ta sẽ chỉ cho các vị biết chỗ tôi đang nằm ... Nghe Hằng truyền đạt lại ý “linh hồn” anh bộ đội như vậy mọi người mới cho cô thắp hương và ngay sau đó “linh hồn” người lính ngụy hiện lên dẫn Hằng đến bên bụi cây lớn nói rằng: Hài cốt anh bộ đội giải phóng nhân từ ấy nằm ở đây ... Mọi người đào và chỉ mất mươi lăm phút là thấy... Hằng nói: “ Vậy là anh ta đã lập công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa”. “Linh hồn” anh bộ đội kể rằng: hồi đó anh là lính đặc công bị tên Tuý bắt được. Khi nó đang áp giải, anh dùng võ thuật đá văng khẩu súng rồi cướp lưỡi lê giết nó luôn. Không ngờ vừa giết xong tên Tuý anh lại bị một tên phía sau bắn trúng. Mộ anh gần mộ nó. Anh nói : Khi còn chiến tranh là thù địch. Nhưng nay đất nước độc lập rồi, ở dưới này chúng tôi đã làm hoà với nhau, bắt tay nhau và cùng hút chung điếu thuốc...
Chuyện đi tìm mộ của Bích Hằng thì rất nhiều. Nhưng gian nan, vất vả, nguy hiểm, bí ẩn, hấp dẫn và để lại ấn tượng rất sâu sắc là lần ba nhà ngoại cảm Bích Hằng, Thẩm Thuý Hoàn và Nguyễn Khắc Bẩy cùng Đoàn công tác do Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh phụ trách và nhiều nhân chứng tham gia thực hiện đề án nghiên cứu mang số hiệu TK.06 đi tìm hài cốt các liệt sĩ trong trận đánh nổi tiếng tại cứ điểm K’Nak (Tây Nguyên) diễn ra từ tháng 3 năm 1965. Để có những thông tin cần thiết, thông qua bức ảnh đã cũ, Bích Hằng mời được “linh hồn” liệt sĩ Ngô Trọng Đãi về để “xin được thưa chuyện”. Liệt sĩ Ngô Trọng Đãi vốn là một trong số cán bộ chỉ huy trận đánh, nên qua những lần “trò chuyện” với “ông” mọi người được biết khá nhiều về vị trí quan trọng của cứ điểm K’Nak, về lực lượng và hệ thống bố phòng của địch, về quyết tâm tiêu diệt bằng được cứ điểm ấy của bộ đội ta, về các mũi tấn công và diễn biến vô cùng khốc liệt của trận đánh, về tổn thất nặng nề của quân ta và đặc biệt “ông” cho biết những địa điểm hoặc trong rừng, ven suối, hoặc dưới đáy hồ sâu Đắc Lốp, nơi rải rác, chỗ tập trung hài cốt của nhiều liệt sĩ đang từng ngày bị ải mục trong lòng đất mà không ai biết đến, không ai hương khói. Kết hợp với những thông tin từ Thẩm Thuý Hoàn và Nguyễn Khắc Bẩy cuộc tìm kiếm diễn ra nhiều ngày, nhiều đợt với vô cùng gian nan, vất vả, nguy hiểm. Cuối cùng Đoàn công tác đã tìm được hơn 300 bộ hài cốt liệt sĩ. Lễ đón nhận, truy điệu được tổ chức trọng thể. Một số được thân nhân đưa về quê hương, còn lại được an táng chu đáo tại nghĩa trang Vĩnh Thạnh.
Khả năng ngoại cảm xuất hiện ở một số người là có thật và luôn gắn liền với những điều thần bí chưa giải thích được. Ngoại cảm đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và chi phối tới nhận thức, đời sống tâm linh con người. Bởi thế hiện nay ở nước ta đã xuất hiện nhiều “nhà ngoại cảm tự phong” và hầu hết là “đồ dởm”. Chỉ số ít người thực sự có khả năng đặc biệt đã được thử thách, đánh giá, đã được các cơ quan chuyên ngành là Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng, Trung tâm bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống, Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) và Bộ Khoa học và công nghệ do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiến hành khảo nghiệm và kết luận công nhận như: Phan Thị Bích Hằng, Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên, Thẩm Thuý Hoàn,Vũ Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Khắc Bẩy, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Thị Phương, Hoàng Thị Thiêm ... mới đáng tin cậy.
Tôi quen Phan Thị Bích Hằng khi biết cô là một trong số ít nhà ngoại cảm ấy và ở thời điểm khả năng đặc biệt của cô đạt trình độ khá cao mà thực tế những việc cô làm đã chứng minh.
2
Từ khi quen Bích Hằng, tôi có ý định sẽ nhờ cô làm cầu nối để mong “gặp” được “linh hồn” bố, mẹ và những người thân đã qua đời, nên cố không để lộ thông tin gì về gia đình mình. Hằng chỉ biết tôi là nhà văn, nhà báo đã nghỉ hưu, chỉ hiểu tôi đôi chút qua các lần gặp gỡ cùng với Vũ Huy Hùng và những người thân khác (mà tôi thường kín đáo ít nói). Hoặc qua đọc những cuốn sách của tôi tặng cô, vậy thôi. Nghĩa là hầu như Hằng chưa biết gì nhiều về tôi, nhất là gia đình tôi. Điều đó rất quan trọng để khẳng định tính chính xác về những thông tin ngoại cảm Hằng giúp tôi.
Hằng nhận lời từ mấy tháng trước, hai lần hẹn, lại lỡ. Một lần cô phải đi Côn Đảo, lần sau đi nước ngoài. Biết Hằng rất bận, nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ: có lẽ cái “duyên” được gặp “linh hồn” bố, mẹ và người thân của mình chưa đến, mặc dù từ nhiều năm nay sáng nào tôi cũng đèn hương, thỉnh chuông khấn niệm gia tiên rất thành tâm. Thế rồi đột xuất Hằng điện cho tôi: “ Chiều mai cháu sẽ đến giúp chú”.
Hôm sau (2 tháng 12 năm 2007) Hùng và tôi đón Hằng. Lần đầu Hằng đến nhà tôi. Bỏ qua phòng khách, chúng tôi lên thẳng phòng thờ trên tầng bốn. Ở đấy, chiếu đã trải trên sàn, vợ tôi, các con, các cháu và một số người thân của tôi đã ngồi chờ sẵn. Máy ghi âm, máy quay phim con rể tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Cả gia đình đều rất thành tâm chờ đón sự việc thiêng liêng này.
Hằng bảo tôi chuẩn bị một chiếc bàn nhỏ, cùng một ghế nhỏ, một cốc đựng gạo, một nén hương, một chén nước lã, một chiếc bút, một tờ giấy và hạ ảnh bố tôi trên bàn thờ xuống cùng danh sách “linh hồn” những người thân cần gặp ghi kèm họ, tên, quê, ngày giỗ, phần mộ hiện ở đâu (nếu biết), ảnh (nếu có)... để trước mặt cô. Ngay sau đó Hằng ngồi vào ghế, thắp hương cắm vào cốc đựng gạo, mắt đăm đắm nhìn bức ảnh, chắp hai tay, miệng khấn niệm: “ Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật ! Hôm nay, ngày 23 tháng 10 năm Đinh Hợi, tại số nhà 10 Ngõ 73 phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội, tín chủ là chú Nguyễn Đắc Trung xin quan Thổ Công, Thổ Thần coi quản phần nhà, phần đất trên cho phép tín chủ được mời vong linh của các thân nhân gồm: Ông nội tên là...quê quán...giỗ ngày ...phần mộ an táng tại...Bà nội tên là ...Bố đẻ là ...Mẹ đẻ là...Bố vợ là ...Mẹ vợ là ... về đây để chú Trung cùng con cháu trong gia đình xin thỉnh cầu các cụ mong được các cụ chỉ bảo và cháu xin truyền đạt lại ý kiến của các cụ cho mọi người biết ...”
Sau những lời thành tâm ấy, bút trên tay, giấy trước mặt Hằng sẵn sàng cho cuộc “phiên dịch”. Tất cả im lặng chờ đợi. Gần một phút trôi qua (chính xác là 56 giây), bỗng mắt Hằng sáng lên vui vẻ: “ Con chào ông ạ... Con chào bà ạ ...” . Mọi người đều xúc động.
Đồng hồ chỉ 15 giờ 40 phút.
Vợ chồng tôi đều nghẹn ngào: “Con chào bố, mẹ ạ”. Hằng nói rõ ràng thong thả : “ Thưa ông bà, hôm nay vợ chồng chú Trung và con cháu trong gia đình mời ông bà về để các con, các cháu được gặp ông bà. Chú Trung cũng có vài ba việc muốn được thưa với ông bà để ông bà chỉ bảo...”. Rồi Hằng quay sang tôi: “ Chú cần hỏi gì thì cứ nói đi”. Tôi cố kìm nén xúc động, rồi nhẹ nhàng: “ Thưa bố mẹ, con muốn biết ở dưới ấy bố mẹ có thiếu gì không ạ ? Có cần chúng con gửi xuống thứ gì không ạ ?” . Tôi dừng. Hằng vừa ghi chép, vừa nhắc: “ Chú cứ hỏi đi”. Tôi nói tiếp: “Ở trong lăng nhà ta hiện nay có hai bia đá khắc tên bố, mẹ, các cụ, rồi bà cô, ông mãnh, những người có phần mộ ở đấy thì có đủ không ạ ? Có đúng không ạ ? Trong lăng có lẫn ai là ngoại tộc không ạ ? Mộ của ông nội ở xứ đồng Mả Cổ, mỗi khi về chúng con chỉ đến đấy thắp hương bái vọng thôi chứ không biết cụ thể chỗ nào. Vậy xuống đấy bố có gặp ông không ? Mộ ông có còn ở khu vực ấy không ? Bố, mẹ và các cụ ở dưới ấy có biết trên này chúng con xây nhà thờ Tổ không ? Hàng năm chúng con cúng giỗ anh Thuận vào ngày mồng 1 tháng 6 âm lịch thì có đúng anh con mất vào ngày ấy không ạ ? Xuống đấy bố mẹ có gặp anh Thuận không ? Con cũng muốn hỏi bố là đất cát nhà cửa chúng con đang ở trên này có sạch sẽ không ? Có vong có cốt gì ở dưới không ? Việc nữa là vợ chồng con có cháu Nguyễn Thị Mai Trang là con gái và cháu Nguyễn Quang Anh là con rể, các cháu xây dựng với nhau đã sáu bẩy năm mà vẫn chưa có con, không biết vì sao ? Vậy bố mẹ có điều gì khuyên ? Vợ chồng anh Dưỡng thì có cháu Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Thị Thuỷ. Các cháu đều trưởng thành rồi, cũng rất mong có gia đình riêng, bố mẹ có điều gì dạy bảo ? Đặc biệt con hỏi mẹ về bà ngoại. Năm ấy bà đi cấy thuê ở Lạc Khoái trong Gia Viễn, Ninh Bình, gặp bão, thuyền bị lật, đến nay vẫn không biết mộ bà ở đâu. Vậy xuống đấy mẹ có gặp bà và có biết gì thêm về bà không ? Rì Cởn cũng mới mất, mẹ có gặp rì ở dưới ấy không ?” . Tôi tạm dừng hỏi và Hằng cũng tạm ngừng ghi, tai chăm chú lắng nghe, rồi quay sang tôi: “ Nhà mình có ai tên là Hoa không ạ ?”. “ Có. Con gái chú tên là Hoa”. Hằng: Ông bảo Hoa pha cho ông ấm trà để ông mời ông thông gia . Tôi lễ phép trả lời bố: “ Vâng ạ. Cháu Hoa đi pha nước ngay bây giờ ạ”, rồi thì thầm với Hoa: “Chắc ông ngoại cũng về đấy con ạ”. Hằng lắng nghe “linh hồn” nói, tay ghi, thỉnh thoảng lại : “ Vâng ạ....Dạ, thế ạ... Ông nhắc lại cho cháu là cụ Kinh hay cụ Kính ạ ?...”. Tất cả im lặng. Mấy phút trôi qua, Hằng quay sang tôi: Ông nói chuyện, còn bà thì cứ sụt sùi khóc ... Ông nói là... Ở dưới ấy bố với mẹ không thiếu thốn gì cả. Điều mừng nhất là việc làm được nhà thờ Tổ. Dưới này không chỉ bố mẹ, mà mọi người trong dòng tộc đều ngậm cười nơi chín suối. Mừng lắm. Còn về lăng mộ, ông bảo Nhìn vào bếp núc thì đánh giá người đàn bà trong gia đình. Nhìn lăng mộ thì thấy sự bề thế của gia tộc. Ông phấn khởi lắm. Nhất là các con lại khắc được danh sách đầy đủ tên các cụ có phần mộ trong lăng. Làm được thế là chu đáo lắm... Ông bảo Ở trong lăng nhà mình có một người ngoại tộc, nằm sát ngay mộ cụ Ngoạn . Nhưng không sao. Người ta ở đây từ lâu rồi. Hơn nữa con cháu nhà mình lại chu đáo nên người ta rất lấy làm vui. Bởi nếu không ở đây mà nằm chỗ khác thì người ta chẳng được ai hương khói cả... Hằng ghé sang hướng bên cạnh lắng nghe, tay thì ghi, miệng luôn: “ Vâng ạ ...vâng...thế ạ ...”, rồi nói với cả nhà : Cụ bà vừa sụt sùi vừa bảo rằng Cụ vẫn về chơi với cu Dũng. Tôi thưa: “ Dạ, cu Dũng ngồi kia ạ”. (Cu Dũng 7 tuổi, con mẹ Hoa, chắt của cụ bẽn lẽn cười lộ hai chiếc răng sứt). Hằng tiếp: Cụ bảo mỗi khi về chơi với cu Dũng cụ lại thương cháu Trang... Cụ bảo về cháu Trang thì chắc trên đường dương các con đã chạy thày, chạy thuốc đủ rồi, nhưng chả bệnh tật gì đâu, chẳng qua chỉ bị vướng một chút về đường âm thôi... Cụ bảo nhà mình có ông mãnh tổ là cụ Kính với anh Thuận, hai người này đều đi hầu Thánh cả. Vợ chồng cháu Trang nên sắm mấy cái lễ, đi lễ, bà sẽ đi cùng... Khi cháu khôn lớn thì bà không còn, nên cháu cũng chẳng tường bà. Nhưng bà lúc nào cũng thương cháu. ( Nghe bà nói, cháu Trang ngồi phía sau nước mắt tràn mi nghẹn ngào khóc). Chỉ mong giúp cháu được gì thì bà sẽ cố gắng... Sắm lễ rồi đi về phủ Xuân Trường, ở Hành Thiện ấy, cầu đức thánh Minh Không, bà sẽ nói với cụ Kính và anh Thuận nữa cùng với bà đi xin cho. Bà bảo người dương đi cầu mười thì chỉ bằng người âm đi một lần thôi. Hằng lại lắng nghe, tay ghi vào giấy, miệng luôn: “ Vâng ạ...dạ, vâng ạ....”. Ông nói là Anh Thuận đúng là mất ngày mồng 1 tháng 6 âm lịch. Giỗ anh các con rất chu đáo rồi. Nhưng vì anh mất vào ngày linh, ngày triệt đinh, nên các con sau này hiếm con trai. Thôi thì trai gái gì cũng được miễn là hiếu thảo. Ông bảo người ta có ba cái khổ: thứ nhất là yểu, thứ hai là tuyệt, thứ ba là bần. Bần hàn thì không gõ đến cửa nhà mình rồi. Yểu thì cũng không, phúc đức thọ trường rồi. Còn tuyệt tức là không con cháu thì rất khổ. Bởi thế vợ chồng cháu Trang cứ yên tâm, ông bà sẽ giúp. Hằng : Bà lại vừa khóc vừa nói Nhắc đến bà ngoại càng thấy đau lòng. Xuống đấy mẹ có gặp bà, mới biết rằng khi bà mất người ta đem chôn cùng với mấy người vào gò đất gần gốc gạo sau đình Lạc Khoái ... Khi nào các con có điều kiện về đấy thắp cho bà mấy nén hương để bà đỡ tủi mà những người xung quanh được thắp hương người ta cũng nhớ ơn mình... Hằng lại lắng nghe, tay ghi, rồi quay sang tôi: Bà bảo Cậu Tân lên đây được sao không bảo anh Dưỡng lên ? Tôi trả lời mẹ : “ Thưa mẹ, anh Dưỡng ở xa quá, sức khoẻ lại không tốt nên con không báo. Hai hôm trước giỗ Tổ ở quê anh em con mới gặp nhau. Hôm nay bố mẹ dạy điều gì con xin hứa sẽ truyền đạt lại cho anh con ạ.” . Hằng lại tiếp: Bà bảo Còn việc chồng con của Thoa với Thuỷ thì Thuỷ không vướng gì đâu, nhưng Thoa thì có tiền duyên đấy. Nên phải nhờ thày làm lễ cắt tiền duyên cho nó rồi mọi việc sẽ tốt đẹp thôi. Việc con cái của cháu Trang cũng thế, cũng vướng một chút về đường âm. Nên sau khi lễ ở phủ Xuân Trường xong thì về phủ Vân Cát, nơi thờ đức Thánh Mẫu cầu xin thì vợ chồng nó sẽ có con cái đề huề thôi. Bà nói dì Cởn xuống đấy mẹ có gặp rồi. Hai lần mẹ mời dì lên chơi, nhưng đến đây phải chờ mãi mới được vào nhà. Nghe bà nói thế ông giải thích luôn là Các cụ nhà ta rất giữ lễ. Thấy người lạ mà không thấy thờ trong bát hương là quan Thổ Công, Thổ Thần và các cụ không cho vào. Sau nghe bà giảng giải mới biết, mới mời, chứ không phải các cụ không tiếp đón em của bà. Cũng như các cụ bên họ Mai, là thông gia,họ Nguyễn nhà mình vẫn mời các cụ lên ngồi trên bàn thờ... Ông bảo Chỉ có bát hương thờ bà ngoại các cháu lẽ ra con nên để thấp hơn một chút, vì đấy là bát hương bụi. Nghe vậy vợ chồng tôi và mấy chị em nhìn nhau: “Đúng quá. Vì bà ngoại mới mất chưa cải cát”.. Hằng tiếp : Ông bảo Ảnh thì vẫn để cao ngang hàng với nhau, nhưng bát hương con để xuống dưới... “ Vâng ạ. Chúng con sẽ làm theo ý bố ạ... Thưa mẹ, con xin hỏi là xuống đấy mẹ có gặp cậu Bạn không ?”. Hằng : Bà bảo Xuống đấy mẹ có gặp cậu Bạn. Cậu ấy cứ than phiền vì cậu ấy không có giỗ. Tôi thưa luôn: “ Mẹ ơi, cậu đi Tân Thế Giới rồi biệt tích luôn. Vì không biết cậu mất ngày nào nên không giỗ. Vậy con xin hỏi mẹ là giỗ cậu con vào ngày nào ạ ?”...Hằng : Bà bảo Tiết đông chí này đây. 27 tháng 11 con ạ... Tôi: “Thưa mẹ, mẹ có gặp ông ngoại và cậu Bảo không ?”. Hằng: Bà bảo Mẹ có gặp ông ngoại, gặp các cậu, gặp rì. Ở dưới ấy đi lại thăm nhau rất là dễ. Mẹ muốn giỗ mẹ sắp tới các con sắm mấy bộ quần áo để mẹ biếu ông ngoại, bà ngoại, các cậu, các rì... Còn về chuyện vận hạn, thì vợ chồng con không có gì phải lo cả. Nhưng con nhắc anh Dưỡng nhớ giữ gìn sức khoẻ. Sang năm là vận hạn đấy, nhất là tháng ba, phải cẩn thận kẻo sai một ly, đi một dặm... Hằng: “ Bà nội gọi Hà. Nhà mình có ai tên là Hà không ?”. Hà là chồng Hoa đang quay phim vội ngồi xuống: “ Cháu đây ạ”. Hằng : Bà bảo Tháng 12 năm nay Hà có hạn, nên đi đâu phải cẩn thận, 30 Tết chưa phải đã tai qua nạn khỏi... Ông bảo Đã dặn thì dặn cho kỹ. Hạn là hạn cả tháng, nhưng nhất là những ngày 3 và ngày 7 làm việc gì cũng phải giữ gìn... Ông nói Mộ của ông nội thì vẫn ở xứ đồng Mả Cổ. Mộ ông nội ở đấy tốt lắm, đắc địa lắm. Tổ tiên xui khiến làm sao mà cái ngày quy tập mộ các cụ vào lăng lại không động tới mộ ông, chứ nếu không thì rất phiền. Sau này các con vẫn giữ nguyên như vậy, không được thay đổi. Hằng quay sang tôi: “ Vưà nhắc đến cụ nội thì cụ nội về... Vâng,cụ Nguyễn Trọng Thóng ạ”, rồi hướng về phía “linh hồn” cụ nội, tay ghi, miệng hỏi : “ Vâng ạ...Thế ạ...Cụ đọc lại cho cháu ghi ạ... Cháu xin đọc lại xem đã đúng chưa cụ nhé...”. Hằng vui vẻ nói với cả nhà: Cụ nội về, cụ bảo Xây được nhà thờ Tổ các cụ phấn khởi lắm. Ý cụ muốn là nếu được đôi câu đối nôm để dạy bảo, nhắc nhở con cháu... Cụ đọc cho hai câu thế này : “Tình cốt nhục muôn đời không phai nhạt. Nghĩa tử tôn vạn kiếp chẳng thể nhoà”...Thì các con xem ... Tôi thưa: “ Chúng con sẽ xin tiến cúng nhà thờ Tổ đôi câu đối ông vừa cho ạ. .. Thưa bố, con muốn được hỏi bố là đất và hướng nhà nơi chúng con đang ở đây và nơi anh Dưỡng con đang ở dưới Nam Định thế nào ạ ?”.... Hằng: ông bảo Đất ở đây, thứ nhất là lành, thứ hai là sạch, không có vong có cốt. Đấy là điều yên tâm nhất. Còn hướng nhà thì, phố xá mà, không thể theo ý mình được. Như thế này là gia trạch bình yên rồi. Còn nhà anh Dưỡng thì tuy cây cối điền viên có hơn ở đây, nhưng sinh khí hơi kém. Tại cả rẻo đất ấy trước có một cái giếng rất tốt, rồi người ta lấp đi mất nên bị bế mạch. Nhưng cũng không sao đâu... “ Con xin hỏi bố là vừa rồi con có mua cho cháu Thuỷ một căn hộ ở chung cư phố Đội Nhân không biết chỗ ấy có được yên ổn không ạ và chỗ vợ chồng cháu Hà – Hoa đang ở thế nào ạ ?”. ... Hằng : Ông cười bảo Ông đã được đến thăm nhà của Thuỷ đâu mà biết nó tốt hay xấu thế nào. “Đúng quá. Con chỉ mới ký hợp đồng mua trên giấy qua bản vẽ thiết kế thôi. Nhà thì họ đang xây nên cũng không biết cụ thể căn phòng của Thuỷ ở vị trí nào”. (Mọi người cười)... Còn chỗ nhà Hà – Hoa đang ở thì cũng được. Nhưng quan Thổ Công ở đấy hơi nóng tính nên các cháu phải biết, phải hương khói chu đáo. Những người nóng nảy lại được việc. Trần thế mà âm cũng vậy. Miễn sao mình biết mà cư xử... Hằng im lặng lắng nghe, rồi nói: ông ngoại đang cười, cụ phê bình là Chán cho mấy chị em, con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại đến đủ cả mà không sắm lấy cái lễ cho họ Mai. Đây toàn là lễ của họ Nguyễn. (Cả nhà nhìn nhau ngạc nhiên: “Đúng quá. Sao ông biết nhỉ ?”, rồi cùng cười) . Tôi nhẹ nhàng : “ Thưa thày, chúng con xin được hỏi, xuống dưới ấy thày có gặp em Kiên không ạ ? Mộ chú Phương hiện ở đâu ? Sang năm chúng con muốn cải cát mộ cho mẹ con, vậy làm vào ngày nào thì tốt ạ ?”... Đang chăm chú lắng nghe, Hằng quay sang tôi hỏi: “ Nhà ta có ai là bộ đội không ? Có một chú bộ đội vừa về”. Mọi người nhìn nhau: “ Bộ đội à ? Ai nhỉ ? Hay là Hưng ? (Hưng là con chú Phương mà Tân mới vào tìm được mộ ở nghĩa trang Trường Sơn), “Hay là Huế ?” (Huế là bạn thân của tôi hy sinh năm 1968 ở mặt trận phía Nam). Mọi người xì xào trao đổi thì Hằng cuời: “ Chú Hưng. Chú Hưng theo cậu Tân lên đây”... Hằng: Ông bảo Xuống đấy ông gặp cậu Kiên rồi. Hôm nay ông cũng định rủ cậu Kiên đi, nhưng sợ đến đông quá. Hưng thì không thể ngăn được vì cứ bám theo Tân vào. Chắc là cũng có tâm sự muốn nói. Nhưng mà thôi, phải nhường các cụ họ Nguyễn. Họ Nguyễn về đông, các cụ cử đại diện nói, mà họ Mai nói nhiều thì không tiện. Ông nội thì bảo Không sao . Các cụ vui vẻ lắm. Ông ngoại bảo Còn việc cải cát mộ cho mẹ con thì sang năm, vào tháng 10 âm lịch, từ mồng 1 đến mười rằm chọn ngày nào tốt thì làm. Mẹ con luôn than phiền rằng hiện nay chuột nó cứ rúc vào trong mộ, không yên. Nhưng biết làm sao. Chả lẽ lại đào lên à, đành chịu khó vậy... Lăng các con xây đẹp, bố mẹ đều ưng, nhưng rút kinh nghiệm mộ phải để thông thiên chứ không xây kín . ( Tân nhìn tôi gật đầu: “Đúng. Nhà mình xây bít kín thật” )...Hằng: “ Có một chú bộ đội nữa về ... À, chú Huế”. Vợ chồng tôi và cả nhà mừng: “A ! Huế”. Tôi bảo cháu Trang lấy ảnh bác Huế xuống. Chú ấy nói với chú Hưng là Họ không có thuốc lá mời anh em mình đâu . (Tôi giật mình: “ Đúng. Huế nghiện thuốc lá”). Vợ tôi giục cháu Quang Anh: “ Con đi mua thuốc về mời bác Huế”... Hằng: Chú Hưng bảo Mộ của chú ấy ở nghĩa trang Trường Sơn, Đoàn 559 họ rất chu đáo. Họ có bốc mộ, có làm bia, chỉ buồn là hài cốt không nhiều. Tôi hỏi : “ Huế ơi, năm ngoái cháu Bình với cháu Mạnh nhờ nhà ngoại cảm Năm Nghĩa chỉ dẫn. Các cháu có đến nghĩa trang xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị tìm và đặt bia mộ Huế trong khu “Liệt sĩ vô danh”, không biết có đúng Huế nằm dưới ấy không ? Sáng nào thắp hương bàn thờ gia tiên mình cũng khấn Huế, Huế có về được không ?”... Hằng: Chú Huế bảo Mục đích chính của Huế hôm nay cốt khoe với Trung là Huế đã về được đây. Vì thế mình mới chen ngang các cụ đấy, chứ mình có trong danh sách được mời đâu. Bao nhiêu năm Trung luôn thắp hương cho mình, mình biết, mình cảm động lắm, cảm động tấm lòng của bạn đối với mình. Chỉ tiếc rằng giá tìm được mình sớm hơn thì đỡ tội cho mẹ. Vừa rồi mình theo các cháu về gặp mẹ, cụ bảo khi còn sống lúc nào cụ cũng mong tìm được mộ mình thì mới yên tâm nhắm mắt. Nhưng mà việc ấy là do số mệnh, đến lúc nào là nó đến. Thôi thế cũng là may lắm rồi, chứ biết bao nhiêu người bom xé nát tả tơi chả còn gì. Ngay anh bạn Hưng này, anh ấy vừa than phiền là một cái chân của anh ấy bay đâu mất ... ( Tân ngồi bên gật đầu: “Đúng. Anh bạn cùng đơn vị với Hưng nói Hưng bị mất một chân, khi chôn không tìm thấy” ). Tôi hỏi: “ Vậy ngôi mộ ở nghĩa trang xã Hải Phú, huyện Hải Lăng mà các cháu đã gắn bia, có đúng là mộ của Huế không ?”. ... Hằng: Chú Huế bảo Đúng. Tôi mừng quá, đứng lên lấy trong tủ lưu niệm chiếc đồng hồ cũ: “ Huế có nhận ra chiếc đồng hồ này không ? Lần cuối cùng chúng mình gặp nhau vào tháng 8 năm 1967 ở Nghi Lộc, Nghệ An. Đêm chia tay ôm nhau khóc, Huế tháo chiếc đồng hồ này đưa mình, còn mình cởi chiếc áo đang mặc trao cho Huế. Rồi từ đấy không còn được gặp nhau nữa. Chiếc đồng hồ mình vẫn giữ và coi là kỷ vật...”...Hằng: Chú Huế bảo Mình xúc động lắm Trung ạ. Trung vẫn giữ được những kỷ vật ấy. Về thấy nhà cửa, vợ con của Trung thế này mình mừng lắm... Hằng quay sang phía vợ tôi : Chú Huế bảo rằng Hương ơi, mình tâm sự với Trung một tý nhé. Bọn mình có những kỷ niệm, những tình cảm gắn bó mà chỉ những người cùng vào sinh ra tử với nhau mới có được.... Trung ạ, mình biết những trang viết của Trung đều có dáng dấp mình, mình thích lắm... Tôi nói luôn với Huế: “ Truyện tình cờ” mình đề “Tặng NguyễnVăn Huế thân yêu” . Anh bộ đội trong ấy có cái răng khểnh là mình tả Huế đấy.”... Hằng: Chú Huế bảo Hôm nào Trung phải đốt tặng mình mấy cuốn sách của Trung nhé. Mình thích đi theo cậu lắm, theo để xem cậu viết... Chú Huế cười bảo Nhờ anh cu Đức châm cho chúng mình điếu thuốc. ( Cháu Đức là con cậu Tân đang ngồi ở cửa)... Hằng: Bà nội nói Hôm nay anh em các con gặp nhau, nội ngoại gặp nhau thế này mẹ vui quá... “ Thưa mẹ, con muốn hỏi mẹ là ngày xưa trước khi mẹ mất mẹ bị loà, hiện nay mắt con cũng thường bị đau. Liệu có việc gì không ạ ?”... Hằng: Bà nói Cái nghề của con phải làm việc bằng đầu, bằng mắt nhiều, thứ hai là bệnh ấy cũng có di truyền đấy nên con phải giữ gìn. Nhưng bây giờ khác trước rồi, chứ không như ngày xưa mẹ con mình khổ quá ... “ May mà mắt của con được cháu Thuỷ thường xuyên theo dõi chạy chữa ạ”... Hằng: Bà hỏi Ai ngồi ở cửa kia mà mẹ không biết ? “À, đấy là chú Hùng,bạn con, con coi chú ấy như em ạ”... Hằng: Chú Huế nhìn anh Hùng, chú ấy bảo Nhiều lần mình đi với Trung đều có anh bạn này... Bà bảo Cháu Thuỷ ở đây thì xa cha có chú, con chịu khó chăm sóc sức khoẻ cho chú... Ông thì nói Cái nghề của người cầm bút cần có đôi tay và đôi mắt nên con phải giữ sao cho đôi tay khoẻ, mắt sáng để làm việc. Không gì bằng lại có người nhà là bác sĩ thì may mắn lắm rồi. Chú Huế cười, chú ấy bảo Thôi có bao nhiêu tinh anh của mình, mình sẽ nhường cho Trung... À, mình rất thích cậu xây dựng nhân vật Đức Rây-mông. Cậu nhớ đốt cho mình cuốn sách ấy nhé. Tôi ngạc nhiên quá: “Đúng rồi. Đức Rây-mông trong tiểu thuyết “Đứa con kẻ thử thù”. Huế có đọc sách của mình à ?”... Thế cậu không thấy mình ở trong tủ sách của cậu hay sao ? ( Cả nhà cười. Đúng, ảnh Huế tôi đặt trong gian sách lưu niệm rất đẹp cạnh chiếc đồng hồ kỷ vật và phong bì đựng “Giấy báo tử” Huế )... Cậu không biết, chứ mình theo cậu suốt hành trình đi tìm Đức Rây-mông đấy. ( Tôi càng ngạc nhiên hơn. Đúng là năm 1976 tìm gặp được anh chàng tướng cướp này quả là một hành trình. Huế cũng đi với tôi ư ? Thú vị thật !)... Từ nay cậu đi đâu xa thì cho mình đi với nhé. Cấp cho mình cái giấy thông hành... “Cấp cho Huế cái Thẻ nhà báo nhé.” ( cả nhà lại cùng cười)... Hằng: Bà ngoại cũng cười, bà bảo Thế bây giờ đã đến lượt tôi chưa ? Tôi đáp: “ Thưa mẹ, chúng con đang mong mẹ đây ạ”... Hằng lắng nghe “bà ngoại”, rồi hỏi lại: “ Thưa bà, khi nãy ông nói chắc bà cũng đã nghe. Ông bảo sang năm thì cải cát cho bà, vậy bà có ý kiến gì không ạ ?”, rồi nhắc: “ Mọi người cứ hỏi bà đi”. Vợ tôi xúc động: “ Mẹ ơi, con muốn hỏi mẹ là thanh minh năm nào chúng con cũng tổ chức làm cơm canh, đốt tiền vàng cúng mẹ ở nhà anh Mùi, bố mẹ có về, có nhận được không ạ ? Con xin hỏi bố là mộ chú Phương hiện đang nằm ở đâu ? Chị Mùi mới mất xuống đấy, bố mẹ có gặp chị con không ? Cháu Lan Anh nó sắp lấy chồng, chồng nó là cháu Minh, bố mẹ xem có được không ? Cháu Hạnh thì chồng nó mất rồi, hôm nay nó muốn gặp chồng nó thì có được không ? ... Hằng: Bà bảo 12 tháng 10 sang năm thì thay mộ cho mẹ... Ông nói Khi xuống đấy mục đích đầu tiên của bố là đi tìm chú Phương và bố có gặp chú Phương rồi. Chú ấy vẫn về lăng với cái mộ giả ở đấy, chứ mộ thật của chú thì bị mất không tìm được đâu. Khi gặp cậu Kiên cậu ấy phàn nàn là mộ bị động, bố mới đi theo xem sự thể thế nào, thì ra xương cốt của những người cùng nằm ở đấy lẫn lộn với nhau cả không sao phân biệt được. Cho nên có động cũng đành chịu thôi. Bởi thế, bố có ý định thế này, sang năm khi cải cát cho mẹ con, thì tiện thể các con xây luôn một ngôi mộ cho Kiên trong lăng, rồi lên chùa nhờ thày bốc bát hương đặt trên mộ cùng với bia khắc tên cậu để cậu có nơi chốn đi về... Bố mẹ và cả Kiên nữa vẫn đi về nhà anh Mùi, tiền vàng các con gửi xuống nhận được hết... Hằng: Bà hỏi Đôi nụ đeo tai của mẹ, khi còn sống mẹ cho chị Mùi. Giờ chị Mùi mất rồi thì ai giữ ? Mấy chị em tôi nhìn nhau: “ Sao mẹ nhớ thế”. Vợ tôi vừa cười vừa nói: “ Mẹ ơi, đôi nụ ấy trước khi mất chị con trao cho cháu Ngọc là con dâu giữ để làm kỷ niệm ạ. Hay là chúng con làm một đôi như thế gửi xuống cho mẹ nhé”...Hằng: Bà bảo Ừ, làm y như thế... Hằng: Ông cười bảo Để cho bà vui ấy mà, xuống đây vẫn còn lẫn, có khi ăn rồi bảo chưa ăn, vừa đưa cho rồi lại bảo đã đưa đâu, cháu mình mà cứ bảo con hàng xóm. (Đúng quá. Trước khi mất bà bị bệnh A-giê-mơ, khi nhớ, khi quên, lẫn lộn cả. Thì ra xuống đấy vẫn thế). Vợ tôi thưa: “ Bố ơi, con xin hỏi là chỗ đất nhà cậu Tân và đất nhà chị Hồng đang ở có vong cốt gì không ? Rồi cái nhà con ở Nam Định khó bán quá không biết vì sao ?”.... Hằng: Ông bảo Chỗ đất nhà Tân và nhà Hồng không sao. Cứ yên tâm mà ở. Ông cười Còn chỗ nhà con, nhà Hương-Trung ấy, khó bán là vì có ông tiền chủ, ông ấy chưa muốn cho bán. Nên các con phải sắm lễ khấn xin ông ấy. Ông này vốn làm nghề nấu kẹo lạc. Nếu các con mua được thứ kẹo ngon nhất Nam Định là kẹo Sìu Châu cúng thì may ra... Chứ không ông ấy không cho bán đâu. Ông bảo Bà là bà chỉ thích ở nhà Mùi thôi, nên hôm nào giỗ, Tân phải thắp hương khấn mời bà về nhà con. Nhớ là hương đang cháy dở thì tắt đi, đến khi đem lên nhà con thắp tiếp, chứ không phải chỉ đem cái chân hương về đâu... Ông bảo Khi nào bốc mộ xong thì bà mới trở lại bình thường, chứ bây giờ vẫn bị lẫn, lúc nhớ, lúc quên. Ông bảo Làm sao hôm nay lại theo ông lên đây, chứ mọi khi cúng giỗ toàn mình ông đi, đem lộc về ông bảo “ của nhà Trung – Hương đấy”... Ông nhắc Lan Anh khi nào cưới thì nhớ dắt cả Minh nữa về thắp hương ông bà nhé. Ông bảo ông rất thương cháu Hạnh. Cháu thành quả phụ sớm quá. Nhưng mà người ta sướng khổ đều do cái số cả, đành phải chịu thôi. Còn cháu muốn gặp chồng cháu ở đây thì khó. Bởi nhà mình đã là ngoại, với cháu thì lại thêm một lần ngoại nữa nên không được đâu. Ông bảo Chị Mùi mất cũng tận số rồi đấy. Mà ra đi như thế là mát mẻ, các con đừng có nghĩ ngợi nhiều để chị con dễ siêu thoát. Chị con lại rất là nặng trần. Xuống đấy rồi nhưng lúc nào cũng sụt sùi u uất...
Ông nội bảo Thôi sắp đến giờ các cụ bên nội, bên ngoại phải đi rồi,các con bớt ra mấy lễ để tặng cho Hưng và Huế. Vợ tôi nói luôn: “Thưa bố, không phải bớt đâu ạ. Chú Hưng và anh Huế chúng con sẽ có tiền vàng biếu riêng ạ”. Cháu Trang nghẹn ngào: “Ông ơi, đến tháng 11 này vợ chồng con làm thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện 103 thì có được không ạ ?”....Hằng: Ông bảo Tháng 11 này là tháng Tý. Mà sang năm cũng là năm Mậu Tý. Tý hợp với cung tử tức của các cháu nên đều tốt. Nhưng các cháu phải đi lễ cầu xin Thánh trước, nếu không thì khó lắm đấy. Hay là đầu tháng, vào mồng 1 tới này đi lễ. Ông bà sẽ cùng đi cầu giúp cho các cháu... Có hai ngày mồng 1 và 19 tháng 11 là tốt. Thế nhé !
... Hằng cười: “ Dạ, gặp được các cụ hôm nay con cũng rất vui. Con cũng cám ơn các cụ ạ... Dạ, con xin chào các cụ”. Cô chắp hai tay cúi đầu vái mấy vái, rồi ngẩng lên nói: “ Các cụ đi rồi ”.
Kim đồng hồ chỉ 16 giờ 48 phút.
Thế là cuộc “gặp” linh hồn bố, mẹ và những người thân của gia đình tôi diễn ra liên tục đúng 68 phút.
3
Tôi đặt cả máy ghi âm, máy quay phim thu trọn vẹn cuộc “gặp gỡ” kỳ diệu ấy. Hình ảnh rất nét, âm thanh rất rõ. Tôi đã nghe đi nghe lại, xem đi xem lại nhiều lần, lần nào cũng xúc động. Về tình cảm, từ hôm ấy tôi thấy hình ảnh bố mẹ và những người thân đã quá cố luôn rất gần gũi với tôi, quanh quẩn bên tôi, cười nói cùng tôi, nhất là những buổi sớm thắp hương bàn thờ, thỉnh chuông chắp tay khấn vái gia tiên. Về lý, tôi cố tỉnh táo, khách quan phân tích từng chi tiết của sự việc thần bí này và nhận ra rằng hầu hết những thông tin từ các “linh hồn” người thân qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng truyền đạt đều chính xác.
Chẳng hạn về ngôi mộ ông nội tôi (cụ Nguyễn Trọng Thóng). Từ khi tôi còn bé, hàng năm vào dịp Thanh ninh bố thường cho theo đi tảo mộ. Đến cánh đồng Mả Cổ, bố thắp hương cắm xuống đất khấn vái. Không thấy mộ đâu, trước mặt chỉ là những thửa ruộng trồng ngô xanh tốt. Bố bảo mộ ông nội ở khu vực này. Ngày xưa bố và các chú nhờ thày địa lý tìm mạch đất thiêng. Nửa đêm bí mật chuyển hài cốt của ông nội đến đấy, đào rất sâu, hạ tiểu xuống, lấp chặt, san phẳng, trên lại trồng ngô như cũ. Việc làm ấy ngoài bố, các chú và thày địa lý không ai được biết. Sau này “đi xem” mấy “thày” đều bảo mộ ông nội “kết”. Có lẽ vì thế, khi quy tập bố không đưa mộ ông vào lăng.
Năm 1995, lần đầu tiên tôi gặp nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp. Anh nắm bàn tay tôi một lúc, rồi nói: “ Ngôi mộ ông tam đại nhà anh rất tốt. Con cháu được nhờ nhiều đấy. Mộ của cụ đặt sâu, lưng tựa núi cách chừng 300 mét, mặt hướng Nam đồng rộng mênh mông không vật cản. Phía Tây là sông và phía Đông cách 25 – 30 mét có con mương nhỏ. Thế đất rất đẹp... Anh có người anh trai mất năm 3 tuổi, rất thiêng, nhưng việc cúng giỗ lại không chu đáo.”. Tôi về quê, hỏi chị cả, năm ấy đã ngoài 70 tuổi. Chị tôi nói: “Đúng. Cậu tên là Thuận, mới được 28 tháng thì chết. Chị nhớ hôm ấy là mồng 1 tháng 6. Cậu mất khi còn bé quá nên việc cúng giỗ cũng không được để tâm”. Như thế là đúng. Đó chính là anh Thuận mà “linh hồn” bố tôi xác nhận mồng 1 tháng 6 giỗ anh, còn “linh hồn” mẹ tôi thì bảo ở dưới ấy anh Thuận được đi hầu Thánh cùng với cụ mãnh Tổ tên là Kính. Cụ Kính là em ruột ông nội tôi.
Tháng 4 năm 2007, tôi mời nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp về quê. Đang trên con đường dẫn vào núi, anh kéo tôi rẽ xuống cánh đồng. Đó là đồng Mả Cổ. Tới khu ruộng trồng ngô, anh chỉ xuống: “ Mộ ông nội anh chỗ này. Sâu lắm. Cốt của cụ còn tốt nguyên”. Tôi thắp hương, hoá tiền vàng cầu khấn và thấy trong lòng rất xúc động. Tôi dẫn anh Hiệp tới khu lăng của gia đình cách đó mấy trăm mét. Khuôn viên rộng, có tường bao, cổng sắt, sân lát gạch đỏ, phía trước hai cây đại, bốn bụi mẫu đơn trổ đầy hoa. Cung thờ tám mái cong dán ngói mũi hài, bên trong ốp gạch men sứ màu nâu,bát hương bằng đá. Danh sách họ, tên 19 thân nhân quá cố được khắc chung trên hai tấm bia gắn bên tường. Các phần mộ không phân biệt đều bằng phẳng dưới thảm cỏ xanh biếc. Chỉ tay xuống góc bên trái, anh Đỗ Bá Hiệp bảo tôi: “ Bố anh nằm đây. Anh giống ông cụ, cũng to cao” Tôi thầm nghĩ: “Vị trí đúng. To cao cũng đúng”. Lát sau anh Hiệp nói tiếp: “ Trong lăng nhà anh có một người ngoại tộc”. Tôi nghi ngờ về thông tin này và tự hỏi: “ Nếu thật sự anh Hiệp có khả năng thấu thị thì chỉ biết số hài cốt trong lòng đất so với danh sách khắc trên bia thừa hay thiếu, chứ làm sao biết được có người ngoại tộc ?”. Nghi ngờ ấy cứ ở trong đầu, cho đến bữa nay tôi đem việc ấy hỏi “linh hồn” bố tôi và thông qua nhà ngoại cảm Bích Hằng bố tôi không chỉ xác nhận là đúng, mà còn nói rõ mộ người ngoại tộc ấy nằm sát mộ cụ Ngoạn. Tôi tra cứu “Sơ đồ hệ phả gia tộc” và được biết cụ Ngoạn là cụ mãnh Tổ đời thứ sáu mà bố tôi gọi là ông chú.
Thật kỳ lạ. Không thể ngẫu nhiên mà các thông tin từ hai nhà ngoại cảm phát ra ở những thời điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau lại trùng khớp như thế. Để giải toả băn khoăn này, tôi gặp và hỏi nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp: “Vì sao anh biết ?”. Anh Hiệp bảo: “ Bộ hài cốt người ngoại tộc ấy phát ra thứ ánh sáng khác”. Đúng là huyền bí.
Hoặc về tình bạn giữa tôi với liệt sĩ Nguyễn Văn Huế. Hai chúng tôi cùng học, rất thân nhau từ năm 1955, tới năm 1964 thì mỗi đứa đi theo một ngả đường chiến tranh. Tháng 8 năm 1967 gặp nhau lần cuối ở Nghi Lộc, Nghệ An. Tôi trao Huế chiếc áo và Huế trao tôi chiếc đồng hồ làm kỷ niệm. 6 tháng sau Huế hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. 40 năm âm dương cách biệt, nhưng trong lòng tôi không bao giờ nguôi nhớ thương Huế. Sáng nào thắp hương bàn thờ gia tiên tôi cũng khấn tên Huế cùng với ông, bà, bố, mẹ và những người ruột thịt đã quá cố của tôi. Việc “linh hồn” Huế về được hôm nay thật là niềm sung sướng, xúc động bất ngờ đối với tôi và trong thâm tâm tôi nhận ra đó đúng là Huế của tôi, bởi tính cách, bởi những việc Huế kể chỉ tôi mới biết. Thí dụ: Huế nghiện thuốc lá nặng và mỗi khi thèm thuốc là không sao chịu nổi, phải tìm bằng được. “ Linh hồn” Huế về, đầu tiên là gợi ý thuốc lá và lát sau, chắc thèm quá, lại Nhờ anh cu Đức châm cho điếu thuốc. Thứ hai là trong các trang viết của tôi từ truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh hầu như nhân vật nào là bộ đội có bản chất chính diện tôi đều đặt tên là Huế, ngoại hình miêu tả cũng có những nét giống Huế, nhất là đôi mắt sáng, miệng cười tươi có chiếc răng khểnh rất duyên. “Linh hồn” Huế nói đều đã đọc sách của tôi và nhận ra điều ấy. Đặc biệt “linh hồn” Huế nhắc đến nhân vật Đức Rây-mông và kỳ lạ thay Huế bảo Huế theo tôi suốt hành trình đi tìm nhân vật này. Điều đó thì chỉ mình tôi biết. Năm 1976, trước khi đi thực tế vào các tỉnh phía Nam vừa giải phóng để sáng tác về đề tài cải tạo tội phạm và chủ nghĩa thực dân mới, các đồng chí công an ở “Cục quản lý trại giam” gợi ý: “ Vào đấy anh cố tìm gặp Đức Rây-mông. Con người này có nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn lắm đấy”. Đó là một tướng cướp nổi tiếng trong giới giang hồ thời Mỹ ngụy. Tôi đến các trại giam Chí Hoà, Long Thành, Sông Bé...tìm, không có. Đọc hồ sơ lưu trữ của “Nha Cảnh sát Đô thành”, của “Tổng Nha cảnh sát Quốc gia”, của Cục lưu trữ Chính phủ ngụy và những tờ báo quan tâm nhiều tới “ xã hội đen” thời ấy. Kết quả thu được rất ít. Gặp mấy “đại ca” trong “giới anh chị” đã “rửa dao gác kiếm”, nói tới Đức Rây-mông họ đều tỏ ra khiếp nể, nhưng từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng Đức Rây-mông biệt tích đâu không ai biết. Sau đó tình cờ tôi phát hiện ra Đức Rây-mông đã thay tên đổi họ đang cai nghiện tại “Trung tâm Phatima Thủ Đức”. Tôi tìm cách gặp và đã khai thác được ở Đức Rây-mông rất nhiều chuyện lạ trong giới du đãng, hiểu về họ, rồi từ chất liệu ấy tôi đã xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của mình.. “Linh hồn” Huế nói đã theo tôi suốt hành trình tìm Đức Rây-mông là thế, khiến tôi không thể không tin.
Hoặc mẹ vợ tôi, hai năm cuối trước khi qua đời cụ bị bệnh A-giê-mơ khi nhớ, khi quên lẫn lộn cả. Bố vợ tôi mất trước đó 8 năm. Nghĩa là cụ ông không biết cụ bà bị lẫn. Vậy mà “linh hồn” cụ ông về kể rằng bà xuống đấy vẫn lẫn và phải đến khi cải cát xong mới trở lại bình thường. Hoặc khi còn sống mẹ vợ tôi rất quý đôi nụ đeo tai, trước khi qua đời cụ cho chị Mùi là con gái cả, nay chị Mùi đã mất “linh hồn” cụ về hỏi ngay Đôi nụ của mẹ bây giờ ai giữ ?
Hoặc “linh hồn” mẹ đẻ của tôi về nói Xuống đấy mẹ có gặp cậu Bạn. Cậu cứ than phiền về việc cậu không có giỗ. Đúng là cậu tôi không được giỗ. Bởi cậu đi Tân Thế Giới từ khi còn trẻ rồi biệt tích luôn có ai biết ông mất ngày nào mà cúng .
Hoặc “linh hồn” bố tôi nói Bát hương thờ bà ngoại các cháu lẽ ra con nên để thấp hơn một chút vì đấy là bát hương bụi . Đúng. Vì bà ngoại các cháu mới mất chưa cải cát.
Hoặc “linh hồn” bố vợ tôi phê bình Con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại đến đủ cả mà không sắm lấy cái lễ của họ Mai, đây toàn là lễ của họ Nguyễn. Rất đúng với tính cách bố vợ tôi. Cụ là người chu đáo, trọng lễ nghi và cũng rất đúng vì chỉ có lễ của họ Nguyễn thật. Hoặc “linh hồn” bố vợ tôi bảo Lăng đẹp, bố mẹ ưng lắm, nhưng mộ phải để thông thiên chứ không được xây kín . Cũng đúng. Các mộ trong lăng đều bít kín.
Hoặc dường như mọi người trong gia đình “các cụ” đều biết kể cả còn sống và đã mất. “Linh hồn” nói đến tên ai, vai vế quan hệ thế nào đều đúng, cách xưng hô cũng thế. Khi thấy một người lạ là chú Hùng “linh hồn” mẹ tôi liền hỏi Ai ngồi ở cửa kia mà mẹ không biết ? và “linh hồn” Huế nói luôn Nhiều lần mình đi với Trung đều có anh bạn này...
Có thể kể ra nhiều chi tiết tương tự để khẳng định rằng hầu hết những thông tin từ “linh hồn” bố, mẹ và những người thân đã qua đời của tôi được truyền đạt qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là chính xác.
Từ “cuộc gặp” kỳ diệu ấy, có được những thông tin ấy, một tuần sau, sáng mồng 1 tháng 11 theo lời khuyên của “linh hồn” bố mẹ, vợ chồng tôi cùng hai cháu Mai Trang – Quang Anh đi lễ, mục đích “cầu tự” để các cháu “sớm có em bé”. Chúng tôi về Hành Thiện, Phủ Xuân Trường, nơi có Chùa Keo cổ kính nổi tiếng từ mấy trăm năm. Ở đây thờ Phật và thờ đức thánh Minh Không. Xong, về đền Bảo Lộc (ngoại thành Nam Định) để lễ Đức thánh Trần ( Tức Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn). Tại ngôi đền nổi tiếng này trước đây bố mẹ tôi cũng đến dâng lễ “cầu tự” và được Đức Thánh ban cho anh tôi, rồi tôi ra đời. Từ đền Bảo Lộc, chúng tôi về phủ Vân Cát lễ cầu Đức thánh Mẫu. Trọn vẹn một ngày, mọi việc thuận lợi và tôi thấy lòng rất thanh thản.
Mấy năm trước vợ chồng cháu Quang Anh đã tới các cơ sở y tế lớn chạy chữa. Làm thụ tinh nhân tạo ở Bệnh viện phụ sản Trung ương, rồi Trung tâm công nghệ phôi thuộc Viện Quân y 103, tốn kém không ít tiền của và thời gian nhưng đều không kết quả. Cuối tháng này, theo lời khuyên của “linh hồn” bố mẹ tôi, sau khi đi lễ về, các cháu sẽ thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng ở Viện Quân y 103. Cả gia đình chúng tôi hy vọng. Không chỉ tin vào khoa học hiện đại mà đặc biệt lần này còn trông chờ ở sự trợ giúp của tâm linh.
Tiếp đến hai tuần sau cuộc “ gặp” kỳ diệu ấy, cũng theo lời khuyên của “linh hồn” mẹ, chúng tôi tìm vào thôn Lạc Khóai, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, nơi hơn 90 năm trước bà ngoại tôi đi cấy thuê, gặp bão, bị lật thuyền chết đuối gia đình không tìm được xác và cũng không biết phần mộ ở đâu. Thôn Lạc Khóai nằm bên sông Hoàng Long. Sông Hoàng Long sâu, có đê cao, bãi rộng. Mùa mưa nước ngập mênh mông, gió to, sóng dữ. Người đi làm đồng bị lật thuyền chết đuối xảy ra thường xuyên. Nên dân ở đây phải dành một giải đất cao sát chân đê làm bãi tha ma. Bãi tha ma có mấy cây gạo cổ thụ và chỉ cách phía sau đình Lạc Khoái chừng 500 mét. Rất khớp với những thông tin mà “linh hồn” mẹ tôi cho biết. Chúng tôi được bà con trong làng nhiệt tình chỉ dẫn. Người ta còn kể cho nghe câu chuyện về “Miếu Ba Cô” được truyền khẩu mà ở đây ai cũng biết. Chuyện rằng năm ấy, sau một trận bão lớn có ba xác phụ nữ trôi dạt vào chân đê. Cả ba đều không phải dân vùng này. Người ta đưa đến chôn ở bãi tha ma phía sau đình, gần gốc gạo. Hồn ba người ấy rất thiêng, dân làng phải xây miếu thờ, gọi là “Miếu Ba Cô”. Những năm gần đây Gia Viễn thuộc vùng phân lũ. Đồng ruộng, sông ngòi, vườn ao ngập sâu trong nước hàng mấy tháng liền. Những cây gạo ngoài bãi tha ma to cao là thế cũng chết. Còn “Miếu Ba Cô’ thì bị sóng nước và thuyền bè xô đổ mất.
Đi cấy thuê, gặp bão, lật thuyền chết đuối mất xác cùng với bà ngoại tôi còn có hai người bạn gái cùng quê. Vậy có phải đó chính là xác ba người phụ nữ được chôn ở đây và được thờ trong “Miếu Ba Cô” ? Dù chẳng có bằng chứng, nhưng không hiểu sao trong thâm tâm tôi cứ tin là thế.
Sau khi thắp hương khấn cầu Thành Hoàng thờ trong Đình Lạc Khoái chúng tôi được hai cháu Tuấn và Chương dẫn ra bãi tha ma, tìm tới chỗ đất cao còn rất rõ dấu tích của “Miếu Ba Cô”. Bày đồ lễ, thắp rất nhiều hương, đốt tiền vàng, quỳ xuống chắp tay tôi khấn rõ ràng rành mạch: kể về mẹ tôi, về bà ngoại tôi, về những người thân trong gia đình... Rằng bao nhiêu năm do chiến tranh loạn lạc, nay các cháu mới có điều kiện tìm đến nơi bà mất, thắp hương bà... Rằng việc tìm hài cốt của bà còn rất khó khăn, hôm nay xin bà cho các cháu rước chân hương mời anh linh bà về quê. Trong lăng nhà ta đã làm sẵn mộ phần của bà... Tôi khấn, nước mắt tràn mi. Nắm hương cắm dưới đất đang cuộn khói bỗng bốc cháy đùng đùng, tro tiền bay mù mịt. Tôi cảm thấy rất rõ luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng.
Từ hôm ấy lòng tôi thanh thản, thấy phần nào vơi nhẹ được nỗi băn khoăn day dứt thương cảm đối với bà ngoại.
Tiếp đến một tháng sau cuộc “gặp” kỳ diệu ấy, với những thông tin thu được từ mấy tháng trước qua việc nhờ nhà ngoại cảm Năm Nghĩa “gọi hồn” Huế về cho biết, cùng những thông tin từ các nhân chứng như anh Ẩn (đại đội trưởng của Huế), anh Hợi (xã đội phó), chị Xuân (du kích), cô Quật (giao liên) tại thời điểm và địa bàn (xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) nơi Huế chiến đấu rồi hy sinh, họ đều còn sống kể lại, kết hợp với lần này “linh hồn” Huế về xác nhận ngôi mộ trong “Khu vô danh” tại nghĩa trang xã Hải Phú, Hải Lăng mà hai cháu Bình và Mạnh đã khắc bia tên Nguyễn Văn Huế là Đúng. Tôi quyết định cùng mấy cháu vào đưa Huế về nghĩa trang ở quê. Xuất phát sáng 27 tháng 12 năm 2007, đêm mới đến Đông Hà, phải ngủ lại, hôm sau vào Hải Phú, Hải Lăng. Thủ tục không khó khăn. Địa phương tạo thuận lợi. 11 giờ trưa tôi bước vào nghĩa trang. Nắng oi ả. Thắp hương trên “Đài liệt sĩ” xong, tôi nhằm “Khu vô danh” đi xuống. Đến hàng thứ ba, mộ thứ sáu bỗng cảm như có bàn tay lạnh giá đặt lên vai. Tôi ngồi xuống. Trước mặt là bia mộ Nguyễn Văn Huế... Tôi ôm lấy và khóc nức nở. Ở tuổi tôi, nỗi đau thường được kìm nén, thế mà ... Linh cảm như mách bảo ... Chúng tôi quyết định nửa đêm sẽ “bốc”. Trước lúc đó đầu tôi vẫn đắm chìm suy tư: thông tin do các nhân chứng cung cấp có thể tin . Thông tin do các nhà ngoại cảm cung cấp có thể tin. Linh cảm khi tôi đến trước mộ có thể tin . Còn vật chứng ? Tôi đặc biệt quan tâm đến chiếc răng khểnh của Huế... Đêm khuya. Rừng thưa yên vắng. Trăng cuối tháng nhợt nhạt. Hai pha đèn ắc quy chiếu xuống hầm mộ. Tiểu cốt được đưa lên. Tôi hồi hộp khi các cháu mở nắp. Xương sọ, còn. Xương ống chân, còn... “Hàm răng ?”. “Đây rồi ... Còn tốt nguyên”. Cháu Bình lướt nhẹ bàn chải mềm. Chiếc răng khểnh lộ ra. Tôi thở phào. Mừng quá. Xúc động quá. Đúng Huế đây rồi !
Hài cốt xếp cẩn thận trong hộp xốp trắng, dán băng dính, trên phủ cờ Tổ quốc đặt giữa hàng ghế, Bình và Mạnh ngồi hai bên “hầu cậu”. Xe rời nghĩa trang Hải Phú lúc 1 giờ 5 phút mà 11 giờ 30 đã về đến Yên Phương, Ý Yên, Nam Định, chỉ bằng hai phần ba thời gian hôm đi vào. Trên đường hết sức thuận lợi. Lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức trang trọng.
Thế là bạn tôi sau 40 năm nằm nơi đất khách giữa khu rừng thưa hoang vắng nay đã về với quê hương, với bố mẹ và anh em ruột thịt. Đối với tôi 40 năm canh cánh xót thương bạn. Được may mắn trở về lành lặn, cuộc sống đủ đầy hạnh phúc bao nhiêu, tôi luôn cảm thấy có lỗi với bạn, với những người đã ngã xuống nơi chiến địa. Đưa được bạn về lòng tôi vơi nhẹ đi biết bao day dứt.
Đặc biệt là, khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì cháu Mai Trang đi siêu âm từ Viện Quân y 103 về hớn hở vào khoe với bố: “ Bố ơi, có em bé rồi ! Bác sĩ bảo tim thai khoẻ”. Chao ơi là mừng. Niềm vui bất ngờ và thật là tuyệt vời. *
Sự chính xác của những thông tin khi “gặp” được các “linh hồn” bố, mẹ và người thân qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng; Kết quả việc “tìm thấy” nơi bà ngoại mất; Đưa được hài cốt của bạn về quê và việc vợ chồng cháu Mai Trang “có em bé” ... Tất cả những điều ấy khiến tôi càng suy nghĩ nhiều về những bí ẩn kỳ diệu mà các nhà ngoại cảm đem lại.
Tôi không giải thích được. Mà chính các nhà ngoại cảm cũng không giải thích được. Họ chỉ nhận biết mình có khả năng đặc biệt ấy, còn nhờ đâu mà có, thì chịu. Tôi tìm đọc để xem ý kiến các nhà khoa học ra sao ?
Trên thế giới từ lâu đã xuất hiện các nhà tiên tri, nhà ngoại cảm mà nhiều nước, nhiều nhà khoa học đã tổ chức nghiên cứu lĩnh vực này. Tuy nhiên cho đến nay họ cũng chưa có được những lý giải thuyết phục.
Còn ở nước ta, ngoại cảm không chỉ rất mới mẻ, không chỉ thuộc đối tượng để khoa học nghiên cứu mà còn là vấn đề khá nhạy cảm gắn liền với “phúc”, “họa”. Chỉ khoảng năm sáu chục năm trước thôi đã có những người điêu đứng bởi chịu ảnh hưởng “Di truyền học”, phê phán trường phái Lư-xen-cô. ( Ngày nay thì Di truyền đã trở thành ngành khoa học mũi nhọn đóng góp vô cùng vĩ đại cho cuộc sống con người). Quan điểm giai cấp cực đoan đã khiến người ta phê phán phủ định cả câu ca dao: “Con vua thì lại làm vua. Con nhà sãi chùa lại quét lá đa”. Cách đây không lâu giáo sư Hoàng Phương chỉ viết vài bài báo về hiện tượng “Thần giao cách cảm” thôi, mà phải chịu biết bao sự phê phán cay độc. Cho nên trước nột lĩnh vực mới, khó và nhạy cảm như thế hầu hết các nhà khoa học Việt Nam dè dặt, thận trọng cũng dễ hiểu. Chỉ có rất ít người dũng cảm dám đưa ra những quan điểm của mình. Nguời thì giải thích ở góc độ “ Trường sinh học”, người khác ở góc độ “Bức xạ tàn dư”, hoặc ‘ Sóng năng lượng đặc biệt”, hoặc “Thiên nhãn thông”... vân vân ...
Tuy nhiên cho đến nay cũng chưa có lý giải của ai đủ sức thuyết phục.
Điều đó có nghĩa “ngoại cảm” vẫn còn là dấu hỏi ?
Bài viết của tôi phản ánh sự việc có thực, cũng như hàng ngàn sự việc có thực khác mà các nhà ngoại cảm Việt Nam đã làm, đã tìm đuợc hàng vạn bộ hài cốt liệt sĩ trong đó có những tên tuổi lớn nhiều công lao với Tổ quốc, đã đem lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Một số cơ quan khoa học chuyên ngành được Chính phủ giao nghiên cứu ( Liên hiệp khoa học công nghệ tin học và ứng dụng, Viện Khoa học hình sự, Trung tâm bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống, Bộ Khoa học và công nghệ ) đã có những báo cáo kết quả trắc nghiệm và bước đầu khẳng định: “ Khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là có thật”, “ mà khoa học hiện nay chưa thể có lý giải một cách thoả đáng” . Họ có thể nhìn thấy hài cốt người chết vùi sâu dưới đất và biết được thân nhân quá cố ấy. Họ nhìn rõ diện mạo, hình dáng, nghe và hiểu được lời nói của “linh hồn” (có người chết đã hàng trăm năm), trao đổi, giao tiếp với các “linh hồn” ấy rồi truyền đạt lại thông tin cho những người đang sống với độ chính xác cao. Đó là sự thật.
Sự thật không phủ nhận được thì không nên phủ nhận.
Từ những năm đầu thế kỷ, nhiều nhà khoa học, nhiều nước Âu, Mỹ đã tổ chức và tiến hành nghiên cứu rất nghiêm túc về tâm linh. Một nhà khoa học thuộc Liên Xô cũ đã nhấn mạnh: Lý luận duy vật không những cho rằng tâm linh có thực mà còn coi đó là “vật chất notron sống”. Mục đích nghiên cứu của họ là giúp con người phát triển khả năng siêu năng lực tiềm tàng. Nếu chúng ta không sớm coi đây là một ngành khoa học và tổ chức nghiên cứu thật chu đáo thì chắc chắn sẽ tụt hậu so với thế giới. Và như thế thì thật là đáng tiếc !
Xin hãy coi “tâm linh” là đối tượng khoa học và đối xử như một ngành khoa học mới.
Hà Nội ngày 5 tháng 6 năm 2008
* Ngày 3 – 12 – 2008, cháu Mai Trang sinh đôi hai bé tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Bé gái Nguyễn Gia Linh nặng 2,7 kg, bé trai Nguyễn Gia Huy nặng 3 kg. Mẹ khoẻ, con khỏe. Các cháu đều rất xinh xắn kháu khỉnh dễ thương.
Theo Blog trannhuong.com