Chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ về MAIL
Hôm nọ một đồng nghiệp người Úc với điệu bộ hớt hải đến hỏi tôi: “Này, ông có biết là giáo sư N mới bị mất việc không?” Tôi cũng ngạc nhiên khi nghe “hung tin”, bởi vì giáo sư N (với thâm niên công tác tại một trường đại học lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 30 năm qua) vẫn liên lạc và trao đổi với tôi khá thường xuyên, nếu anh mất việc hay nghỉ hưu thì chắc chắn anh ấy báo cho tôi biết.
Tôi tò mò hỏi vị đồng nghiệp rằng làm sao ông biết, thì ông cầm bản in email của giáo sư N gửi cho ông và nói: “Đây này, ông ấy gửi thư cho tôi qua địa chỉ yahoo, chứ không qua địa chỉ của trường nữa!” Tôi hiểu ra câu chuyện. Thấy ngại phải giải thích đầu đuôi câu chuyện mà tôi cho rằng chẳng hay ho gì, nên chỉ nói ngắn gọn rằng giáo sư N vẫn còn làm việc và có lẽ vì một lí do nào đó nên phải sử dụng địa chỉ email công cộng.
Cái “lí do gì đó” là điều mà anh N đã từng phàn nàn bấy lâu nay về hệ thống internet của trường đại học không đáng tin cậy, quá chập chờn. Đã nhiều lần, anh không thể nhận email từ đồng nghiệp nước ngoài gửi đến chỉ vì hệ thống internet của trường bị chết hay có sự cố. Có khi là những email có nhiều thông tin chuyên môn quan trọng. Do đó, anh N quyết định sử dụng địa chỉ email từ yahoo, và điều này đã gây ra không ít hiểu lầm ở đồng nghiệp và bè bạn nước ngoài.
Ở các nước Âu Mĩ hay ngay cả các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai và Singapore, các giáo sư và nhân viên làm việc trong đại học, các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp chính thức, v.v… đều được cung cấp địa chỉ email chính thức. Chỉ cần nhìn vào địa chỉ email của người gửi, người nhận có thể biết được cơ quan người đó đang công tác ở đâu, và nếu cần, có thể tìm hiểu chức vụ của người gửi. Chẳng hạn như chỉ nhìn vào email với địa chỉ peter.smith@unsw.edu.au (chỉ là ví dụ), người ta có thể biết người gửi là Peter Smith đang công tác tại cơ quan có địa chỉ internet là www.unsw.edu.au và nếu truy nhập vào website này sẽ thấy đây là trường Đại học New South Wales (Sydney, Úc). Nếu cần tìm hiểu chức vụ của người gửi, chỉ cần truy nhập website www.unsw.edu.au và nhấn nút “search” (tìm) thì có thể biết thêm Peter Smith đang làm việc tại khoa nào, chức vụ gì, và lĩnh vực chuyên môn là gì.
Tuy nhiên, các website lớn như yahoo.com, hotmail.com (của tập đoàn Microsoft), gmail.com (của Google), v.v… cũng cung cấp những hộp thư điện thử miễn phí, nhưng kèm theo vài điều kiện mang tính pháp lí tương đối nhỏ. Vì là những nơi công cộng, cho nên bất cứ ai cũng có thể đăng kí cho mình một hộp thư và có thể lấy bất cứ tên gì trong địa chỉ email, kể cả những cái tên quái gở. Trong thực tế, không ít người có đến hàng chục địa chỉ email công cộng để sử dụng cho các mục tiêu [có khi bất chính] khác nhau. Do đó, nhìn địa chỉ của người gửi như petersmith@yahoo.com hay peter_smith@hotmai.com thì không thể biết người gửi có thật sự là Peter Smith hay không, và không biết tư cách của người gửi ra sao. Nếu ông Nguyễn Vạn Phú của Thời báo Kinh tế Sài Gòn liên lạc với cộng tác viên nước ngoài qua hộp thư yahoo thì chắc chắn người nhận sẽ phải rất dè dặt không biết đây là ông Nguyễn Vạn Phú nào.
Địa chỉ email chính thức do đó là một “biểu tượng” về uy tín và địa vị của người gửi. Dù biết rằng nhận xét đó có lẽ nói hơi quá lời, nhưng đó là một thực tế. Thử tưởng tượng nếu tổng thống Bush sử dụng địa chỉ email từ yahoo hay hotmail mà không từ whitehouse.gov thì người ta sẽ nghĩ sao. Nếu một luật sư liên lạc với khách hàng mà sử dụng địa chỉ email từ các địa chỉ công cộng thì chắc chắn chẳng thân chủ nào dám làm ăn với văn phòng luật sư đó. Nếu một tập đoàn đòi đầu từ 30 tỉ USD mà không có đến một website chính thức thì nói ai nghe.
Người viết bài này là thành viên của một số tập san y học ở Mĩ, và biết rằng chính sách của tập san là nếu tác giả gửi bài từ các địa chỉ công cộng thì sẽ được yêu cầu gửi thêm bằng đường bưu điện để có thể xác nhận chắc chắn danh tính của người gửi. Thành ra, không ngạc nhiên chút nào khi một giáo sư mà liên lạc với đồng nghiệp nước ngoài qua địa chỉ email công cộng như yahoo.com hay hotmail.com thì người nhận cũng dè dặt không biết có phải thật sự là đồng nghiệp mình hay là ai đó giả mạo thư.
Một điều đáng buồn là rất nhiều email mà tôi nhận được từ bạn bè và đồng nghiệp từ Việt Nam là xuất phát từ các địa chỉ công cộng. Những người sử dụng địa chỉ công cộng không chỉ giới hạn trong sinh viên, học sinh, mà còn là những hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đại học, giáo sư đại học, vụ trưởng và thứ trưởng các bộ (kể cả các bộ được xem là “tứ trụ” của quốc gia), v.v… Cầm một tấm danh thiếp của một quan chức với đủ thứ học vị, học hàm, và li ti những chức vụ quan trọng, nhưng kèm theo địa chỉ email công cộng, tôi cảm thấy lúng túng. Nếu tôi giới thiệu một quan chức với người nước ngoài với một địa chỉ email như thế, họ sẽ nghĩ gì? Chắc chắn họ sẽ ngạc nhiên. Một đại học lớn mà không có website chính thức để hiệu trưởng phải sử dụng “email chùa”! Một bộ giáo dục hay bộ ngoại giao đại diện một quốc gia mà chẳng lẽ không có một website để các quan chức cao cấp phải sử dụng địa chỉ email công cộng ư? Chuyện khó tin quá!
Thật ra, các đại học và bộ ở nước ta đều có website. Nhưng có website là một chuyện, sử dụng website cho việc gì là một chuyện khác. Một website hữu dụng phải là một trung tâm thông tin và trung tâm cung cấp dịch vụ thông tin. Lấy ví vụ các đại học bên Mĩ, Âu châu hay Úc, website của họ không chỉ cung cấp thông tin về chương trình đào tạo, thành tựu nghiên cứu khoa học, mà còn là một thư viện điện tử, một trung tâm cung cấp dịch vụ internet cho các giáo sư và nhân viên của trường, kể cả dịch vụ cơ bản nhất là email.
Nhưng thấy gì qua các website của các đại học và bộ ở nước ta? Có thể nói ngay rằng phần lớn (không phải tất cả) các website hình như lập ra cho có, chứ không mang chức năng cung cấp thông tin thiết thực về hoạt động của cơ quan. Thật ra, rất nhiều website cung cấp những thông tin mà đồng nghiệp nước ngoài không muốn đọc (như cơ cấu tổ chức của khoa, ban, ngành), nhưng những thông tin họ cần biết thì lại không có trong các website (như thông tin về công trình nghiên cứu, bài giảng, và chương trình đào tạo)! Thậm chí, có website chỉ có thể mô tả là website chết, vì không có cập nhật hóa. Lại có nhiều website tuy mang tiếng là cơ quan thông tin chính thức của bộ hay trường đại học, nhưng lại được thiết kế thiếu tính nghiêm túc, mà tràn đầy với nhiều hình ảnh màu mè, những hoạt cảnh nhảy nhót, cứ như là những website của các công ti thương mại hay các website do học sinh tiểu học thiết kế!
Hệ quả là các quan chức, kể cả quan chức cao cấp, không sử dụng email từ website của cơ quan mình. Một website của một trường đại học hay bộ mà không cung cấp cho cán bộ, nhân viên của mình một địa chỉ email chính thức thì chỉ có thể nói là vô dụng, là một sự bôi bác cho trình độ công nghệ thông tin nước nhà.
Internet và email đã và đang trở thành một phương tiện liên lạc cực kì hữu hiệu và càng ngày làm cho cộng đồng thế giới thu nhỏ lại hơn và gần với nhau hơn. Nước ta đang trên đường hội nhập quốc tế, và các quan chức nước ta là những người đại diện cho quốc gia Việt Nam cần phải được trang bị với những phương tiện liên lạc cơ bản như email, nhưng phải là địa chỉ email chính thức từ các website Việt Nam. Email là chuyện quá nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó không nhỏ chút nào, nhất là đối với các đối tác nước ngoài, bởi vì nó phản ảnh một phần bộ mặt và sỉ diện quốc gia.
Posted by Nguyễn Văn Tuấn