Báo chí ta mấy hôm nay đưa tin:
Theo báo TTO đề tựa: “Bức tử” sông Mekong với đập cao 292m
TT - Việc Trung Quốc xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mekong sẽ là mối đe dọa lớn cho tương lai của con sông này, vốn là nguồn nước quan trọng cho Đông Nam Á, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) được công bố ngày 21-5.
Theo AP, Trung Quốc đã xây tám đập nước ở phần thượng lưu sông Mekong, thuộc tỉnh Vân Nam và mới đây đã hoàn thành đập nước Tiểu Loan cao 292m, cao nhất thế giới. Theo báo cáo của LHQ, sức chứa của đập này tương đương với toàn bộ các hồ chứa của vùng Đông Nam Á cộng lại.
Cùng lúc, ở hạ lưu, Lào bắt đầu xây dựng 23 đập nước trên sông Mekong và các phụ lưu sông này. Việc xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2010.
Báo cáo của LHQ nhận định chỉ riêng việc xây đập Tiểu Loan cũng sẽ làm thay đổi lượng nước và nhịp độ của dòng sông, làm giảm chất lượng nước và làm mất tính đa dạng sinh thái của con sông chảy qua sáu nước này.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Mã Triệu Húc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc khai thác và bảo vệ các con sông xuyên biên giới, và có chính sách vừa quan tâm đến phát triển vừa bảo vệ nguồn nước.
Ông Young Woo Park, giám đốc vùng của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), cảnh báo các chính phủ cần quan tâm đến vấn đề sông Mekong, bởi nếu không sự tăng trưởng và phát triển có thể gây hậu quả cho khả năng chứa nước của lưu vực sông, và do vậy đe dọa đến việc cung cấp nhu cầu nước trong tương lai.
---------------------------------
Năm 2005 đã có mấy bài viết cảnh báo vấn đề này:
Mêkông & những dự án tương lai
Mỗi nước thuộc vực sông Mê Kông đều có những đặc điểm phát triển riêng về lịch sử và về nhu cầu hiện tại. Vấn đề chia sẻ nguồn nước khoảng 475 triệu m 3 /năm của sông Mékong đã trở thành một câu hỏi lớn. Song, liệu sinh thái và môi trường sống sẽ phải trả giá thế nào để đổi lấy sự thịnh vượng từ nguồn tài nguyên mà con sông mang lại?
Trung Quốc
Với 1,3 tỷ dân, trong đó 42 triệu người sống trong khu vực sông Mê Kông, Trung Quốc đang ấp ủ những giấc mơ thủy điện và giao thông đường thuỷ to lớn. Chính sông Mê Kông được sử dụng như một tuyến đường thủy quan trọng giúp Trung Quốc tiếp cận đến những khu vực thị trường của các nước Đông Dương, và đến tận Malaysia.
Trong khi nguồn năng lượng được sản xuất từ dãy Himalaya sẽ góp phần vào bước phát triển của tỉnh Vân Nam và các tỉnh ở phía Đông như Quý Châu và Quảng Tây. Mặt khác, tỉnh Vân Nam xa xôi, với nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống và chậm phát triển về kinh tế, đã được chính phủ Trung Quốc chọn làm đầu tàu cho chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.
Họ cải tạo vùng lưu vực sông Mê Kông thành một tuyến đường thủy quan trọng, một “dòng sông Rhin của Châu Á”, nơi có thể đón những tàu biển trọng tải 300 tấn cập cảng Simao mọi mùa trong năm.
Trung Quốc đã đầu tư 5 triệu USD vào năm 2001 nhằm khuyến khích hai nước Myanmar và Lào tiếp sức cho việc khai thác dòng sông thành một tuyến vận chuyển đường sông dài cả ngàn km, đến tận Luang Prabang của Lào và vùng Đông-Bắc của Thái Lan.
Đồng thời, Trung Quốc cũng nhắm đến sông Mê Kông để phát triển nguồn thủy điện. Hai đập tràn Manwan và Dashaoshan tại tỉnh Vân Nam đã được đưa vào sử dụng và một con đập thứ ba cao nhất thế giới, đập Xiaowan cao 292m, sẽ được vận hành năm 2010.
Thái Lan
Với 64,2 triệu dân, từ lâu Thái Lan vẫn cho biết rõ những nhu cầu và dự định của mình trên dòng sông Mê Kông. Với tốc độ đô thị hoá cao, Thái Lan đang cần đến rất nhiều nước và điện, trong khi họ chỉ có được 24,87% nguồn lợi trên lưu vực sông Mê Kông. Do đó, Thái Lan đã đầu tư sang nước Lào láng giềng để có thể tự trang trải về thủy điện và bổ khuyết cho những nguồn năng lượng nay đã bão hoà.
Trong cùng thời gian này, Thái Lan dự định khai thác một khối lượng nước khổng lồ từ những chi lưu của sông Mê Kông để tưới tiêu cho vùng đồng bằng Korat ở vùng Đông Bắc, nơi luôn bị hạn hán hoành hành nhưng lại rất màu mỡ.
Lào
Với dân số 5,9 triệu người, Lào đã nghĩ đến một cuộc phiêu lưu mới trong mục đích khai thác tiềm năng thủy điện từ các chi lưu của sông Mékong. Và trên thực tế họ đã có một vài công trình phát điện như đập Nam Leuk và Theun-Hinboun.
Với tham vọng sẽ là một “trung tâm phát điện” trong khu vực và cả bán điện ra bên ngoài, dự án đập nước Nam Theun II với hồ chứa có diện tích 450 km 2 và công suất tổ máy là 1.070 MW sẽ được thi công vào tháng 6/2005. Đến năm 2010, 95% sản lượng điện của Lào sẽ được xuất sang Thái Lan.
Trong khi đó, việc bảo vệ môi trường cũng được nghiên cứu kỹ. Công viên quốc gia Nakai nằm phía thượng nguồn đập Nam Theun II với diện tích 4.000km 2 sẽ được ưu tiên nâng cấp và sẽ được bảo vệ chu đáo. Các nhà đầu tư vào công trình đập nước này sẽ ký với chính phủ Lào một hợp đồng trong đó họ sẽ tuân thủ các cam kết có liên quan đến các vấn đề xã hội và môi trường. Và sau đó, thu nhập từ việc khai thác đập nước Nam Theun sẽ được đầu tư vào các hoạt động giáo dục và y tế.
Campuchia
Số dân là 13,8 triệu với 20% diện tích lưu vực sông Mê Kông, Campuchia lại nghĩ nhiều về mặt nước Tonle Sap. Đây được xem là bể chứa nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, và cũng là nơi cung cấp nguồn tôm cá dồi dào cho quốc gia này. Do đó, Campuchia cũng lo lắng nếu như những công trình xây dựng phía thượng nguồn sông Mékong sẽ gây ảnh hưởng đến hồ Tonlé Sap.
Việt Nam
Trong khi đó, nước ta với 81,8 triệu dân và 4,49% lưu vực sông Mê Kông, nằm cuối cùng phía hạ lưu, cũng lo lắng về lưu lượng nước sẽ giảm đi và ảnh hưởng đến những nhánh cuối cùng của dòng Mê Kông chảy qua lãnh thổ Việt Nam. Bởi lẽ, nếu điều đó xảy ra, nguồn nước và vùng đất canh tác của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn và sẽ làm giảm năng suất lúa.
Môi trường trả giá
Khi dự báo dân số sẽ lên đến 100 triệu người vào năm 2025 sinh sống trong lưu vực sông Mê Kông, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra giữa một bên là những yếu tố giúp phát triển kinh tế và bên kia là những yếu tố gây ra ảnh hưởng đến môi trường.
Việc giảm sút của nguồn lợi ngư nghiệp mà International Rivers Network (Hoa Kỳ) ước tính là từ 30 đến 90% phải chăng là hệ quả duy nhất của việc xây dựng các đập nước hay còn là do việc đánh bắt cá quá nhiều?
Hiện tượng đất bị xói mòn phải chăng cũng là hậu quả của việc chặt phá rừng một cách vô tội vạ trên diện rộng? Về vấn đề lũ lụt, dù đã có những biện pháp điều tiết, nhưng trong tương lai hiện tượng thiên nhiên này sẽ có giúp được người dân tránh khỏi hạn hán và ngập lụt hay không?
Và cuối cùng, nếu phải chọn giữa 2 nguồn cung cấp năng lượng thì chúng ta sẽ chọn giải pháp nào: một nhà máy thủy điện luôn “sạch” hay một nhà máy nhiệt điện đầy ô nhiễm? Dù sao đi nữa, tương lai của dòng sông Mê Kông sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các quốc gia sẽ tiến hành. Đối với một dòng sông vùng nhiệt đới mới hôm qua đây còn ẩn chứa nhiều bí hiểm nhưng sẽ là một dòng sông đầy hứa hẹn cho tương lai.
Cao Văn (theo Geo)
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chinh phục dòng Mê Kông
Năm 1860, sau khi phát hiện ra những đền đài Angkor ở Campuchia, người Pháp đã quyết định thám hiểm sông Mékong trong dự định mở một tuyến đường thương mại đến tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Một đoàn thám hiểm được thành lập do Doudard de Lagrée dẫn đầu đã rời Sài Gòn vào ngày 5/6/1866, mang theo các thuyền nhỏ và trang thiết bị. Họ đã đi bộ vòng qua thác Khone để đến Viêng Chăn vào ngày 2/4/1867 và sau đó lên đến Luang Prabang.
Nhưng trước những ghềnh thác Tang Ho không thể vượt qua được, đoàn người đã phải bỏ lại những trang thiết bị khoa học và sau đó bỏ cả thuyền bè. Họ tiếp tục lội bộ và rời khỏi vùng lưu vực sông Mékong để đến Vân Nam vào tháng 12/1867. Khi đó, tất cả đã gần như kiệt sức. Trưởng đoàn thám hiểm Doudard de Lagrée sau đó đã bị sốt và chết vào ngày 12/3/1868, khi vẫn chưa thực hiện trọn vẹn được giấc mơ của mình.
Bẵng đi một thời gian dài và sau nhiều diễn biến của thời cuộc, mãi đến tận thập niên 1990, lưu vực sông Mê Kông mới được các nước trong vùng tập trung khai thác vì lợi ích chung. Và trong tương lai, chắc chẳn dòng sông này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các nước trong khu vực.
Những nạn nhân đầu tiên của việc con người chinh phục dòng sông Mékong: loài cá nheo khổng lồ
Trong số khoảng 240 loài cá sinh sống trên sông Mê Kông, loài cá nheo khổng lồ (tên khoa học là pagasianodon gigas) và loài cá heo sông Irrawaddy là 2 loài bị đe dọa.
Số lượng cá nheo khổng lồ này - có con dài đến 3 mét và cân nặng gần 300 kg - đã giảm đi 80% trong vòng 15 năm trở lại đây do bị đánh bắt quá mức, và do những dự án trên sông Mékong đã cản trở đường di cư của chúng. Hơn nữa, những dãy cát và đá dưới lòng sông bị phá hủy khi xây dựng các công trình thủy điện đã khiến những địa điểm lý tưởng mà loài cá nheo này chọn làm nơi sinh sản đã bị mất đi.
Năm 2003, cá nheo khổng lồ đã được ghi vào sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng của Hội bảo vệ thiên nhiên thế giới (UICN). Ngược lại, hai loài cá nheo khác có kích thước nhỏ hơn đang là đối tượng nuôi thịt của vùng châu thổ này. Năng suất từ 50.000 tấn vào năm 1996 đã tăng lên 200.000 tấn vào năm 2003.
Loài cá heo sông Irrawaddy có thể dài đến 2,5 mét và nặng 150 kg cũng bị ảnh hưởng. Năm 2004, WWF đã lên án những “phương pháp đánh bắt hủy diệt” như sử dụng lưới sắc nhọn hay thuốc nổ nhằm vào loài cá này. Việc thương mại hoá cá heo sông Irrawaddy đã bị cấm.
Môi trường - vấn đề lớn của Uỷ ban sông Mê Kông
Lưu vực sông Mékong: Đây là con sông lớn thứ ba ở Châu Á và thứ tám trên thế giới tính theo lưu lượng nước (475 triệu m3/năm). Với các chi lưu của mình, sông Mékong trải rộng trên một diện tích 795.000 km2. Vào mùa nuớc nổi, lưu lượng dòng chảy tăng lên gấp 30 lần. Trục đường thủy này đối với 6 nước trong khu vực vừa là biên giới tự nhiên vừa là một cầu nối. Trên bản đồ, mỗi một phần màu khác nhau biểu thị cho một lưu vực địa lý thủy văn của những nước có liên quan.
Thành lập năm 1957, Hội đông sông Mê Kông (trụ sở tại Bangkok, Thái Lan), một tổ chức hợp tác quốc tế có đã hoạt động với mục đích ban đầu là phát triển hệ thống dẫn nước tưới tiêu và thủy điện.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Hội đồng sông Mê Kông chú trọng chuyển hướng sang các vấn đề về môi trường.
Năm 1995, Uỷ ban sông Mê Kông (Mekong River Commission) đã ra đời nhằm thúc đẩy việc hợp tác khai thác dòng sông này, nhất là đối với 4 quốc gia nằm ở hạ lưu sông. Trung Quốc và Myanmar tham gia với tư cách quan sát viên. Trụ sở Uỷ ban sông Mê Kông đặt tại Phnom Penh (Campuchia), sau đó là Viêng Chăn (Lào).
Theo một thoả thuận được ký giữa 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, Uỷ ban sông Mê Kông mở rộng hoạt động sang vấn đề môi trường, cân bằng sinh thái và chia sẻ nguồn tài nguyên sông Mékong. Họ đã tiến hành nhiều nghiên cứu về môi trường với sự giúp đỡ của các trung tâm giáo dục đại học như Australian Mekong resource Centre của Sydney (Australia).
Song, về mặt kỹ thuật, Uỷ ban sông Mê Kông lại thiếu các đội ngũ ổn định và chưa có được một sự hợp tác hiệu quả với các nước có liên quan.
(Bài của SGTT ngày 05/12/2005)
http://www.sgtt.com.vn/Detail55.aspx?ColumnId=55&NewsId=5278&fld=HTMG\2005\1205\5278
--------------------------------
Sông Mekong trải dài qua 6 nước
Lưu vực sông Mekong trải dài qua lãnh thổ sáu nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và VN. Với chiều dài 4.800km và diện tích 795.000km2, lưu vực sông Mekong rộng gần bằng nước Pháp và Đức cộng lại. Sông Mekong bắt nguồn trên vùng núi cao 5.000m của cao nguyên Tây Tạng. Vùng hạ lưu sông thuộc bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và VN.
Trên lãnh thổ VN có năm vùng riêng biệt thuộc lưu vực sông Mekong gồm những diện tích rộng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây nguyên và những vùng đầu nguồn diện tích nhỏ tại Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Điện Biên, Lai Châu.
(Nguồn: Ủy ban sông Mekong VN)
Phải lo ngăn triều, trữ nước
GS.TS NGÔ ĐÌNH TUẤN, chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á, cho biết:
- Từ những năm 1950 Trung Quốc đã tuyên bố chiến lược chuyển nước từ phía nam lên phía bắc và từ đó họ xây dựng nhiều đập ngăn nước trên sông Mekong. Các đập này ban đầu có thể phục vụ sản xuất điện nhưng theo nhiều chuyên gia, trong tương lai nó sẽ phục vụ việc chuyển nước từ sông Mekong sang lưu vực sông Trường Giang để từ đó đưa nước ngược lên phía bắc - khu vực vốn khan hiếm nước của Trung Quốc.
Cùng với Trung Quốc, các nước có sông Mekong chảy qua như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng xây đập trên đoạn sông chảy qua lãnh thổ của họ. Ước tính sẽ có hơn 20 đập trên sông Mekong và điều này sẽ tác động rất lớn đến VN - nước ở phía dưới cùng của sông.
* Thưa ông, đó sẽ là những tác động như thế nào?
- Nếu Trung Quốc xây đập chỉ để phục vụ sản xuất điện thì bên cạnh tác hại cũng còn có mặt lợi đối với những nước ở hạ lưu như VN. Chẳng hạn nếu họ xây đập ngăn nước làm thủy điện thì về mùa lũ phía hạ lưu sẽ ít lũ, mùa cạn lượng nước hạ lưu tăng lên vì các hồ thủy điện phải xả nước. Nhưng mặt hại là việc xây dựng hàng loạt đập lớn ở thượng nguồn sẽ khiến hạ lưu giảm mất nguồn lợi thủy sản. Điều này chúng ta đã thấy qua những khảo sát gần đây với việc giảm đáng kể sản lượng cá tại đồng bằng sông Cửu Long.
Lẽ ra khi xây đập họ phải xây các luồng cho cá đi nhưng họ đã không làm như thế. Ngoài ra, xây dựng nhiều đập lớn phía thượng lưu cũng sẽ góp phần làm giảm lượng phù sa màu mỡ ở hạ lưu. Càng nhiều đập thì lượng bùn cát được lưu giữ lại trong lòng hồ càng nhiều, tức là lượng phù sa ở hạ lưu càng giảm mạnh. Phù sa ở hạ lưu giảm thì nước sẽ trong và lúc đó sẽ gây ra hiệu ứng làm xói mòn, sạt lở đất để cân bằng lại phù sa, điều đó rất nguy hiểm đối với các khu dân cư sống ở hạ lưu.
Trong trường hợp Trung Quốc xây đập ở thượng lưu để chuyển nước từ sông Mekong sang lưu vực khác nhằm đưa nước lên phía bắc thì lúc đó lượng nước đổ về hạ lưu sẽ cạn kiệt. điều đó sẽ cực kỳ nguy hại vì thiếu ăn còn chịu đựng được chứ thiếu nước thì không đơn giản.
* Cũng chính vì lo ngại những chuyện đó mà chúng ta thành lập Ủy ban sông Mekong VN để giải quyết vấn đề?
- Không chỉ Ủy ban sông Mekong VN mà cả Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng có vai trò rất hạn hẹp. Mặc dù sông Mekong chảy qua sáu nước nhưng chỉ có bốn nước tham gia Ủy hội sông Mekong quốc tế là VN, Lào, Campuchia, Thái Lan. Hai nước Trung Quốc và Myanmar không tham gia ủy hội. Trung Quốc còn nói rằng họ không có sông quốc tế mà chỉ có sông quốc gia. Vì thế, sự đồng thuận của các nước trong khu vực không cao, chủ yếu là đồng thuận giữa bốn nước trong ủy hội và rất khó lấy các hiệp ước quốc tế để ràng buộc đối với một nước không tham gia ủy hội như Trung Quốc.
* Trong bối cảnh đó, VN cần làm gì để giảm thiểu tác động từ những hoạt động khai thác không hợp lý ở thượng nguồn sông Mekong?
- Trước hết, dù sao Ủy ban sông Mekong VN cũng góp phần ngăn chặn làm chậm đi những tác động tiêu cực đối với hạ lưu sông Mekong. Chúng ta phải chủ động cùng thế giới lên tiếng để quốc gia ở thượng nguồn không khai thác nước quá mức cho phép quy định. Tuy nhiên, việc xây đập làm thủy điện thì ta phải thừa nhận, còn việc chuyển nước sang các lưu vực khác làm cạn kiệt nguồn nước sông Mekong thì ta phải cực lực phản đối bởi nếu không tác hại sẽ rất lớn, nhất là khi phải chịu thêm tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, chúng ta phải có một chiến lược quốc gia về vấn đề này. Tôi cho rằng chúng ta phải tính đến việc xây dựng các cửa cống ngăn triều tại cửa đổ ra biển Đông của chín con sông phân lưu của sông Mekong. Các cửa cống này khi nước sông cao thì xả ra biển, khi nước triều cao thì ngăn không cho tràn vào. Chúng ta cũng phải xây dựng các hồ sinh thái tích trữ nước cho mùa khô.
Đây là vấn đề phức tạp cần phải tính đến ngay từ bây giờ vì nói thì nghe có vẻ dễ nhưng đi vào cụ thể mới thấy sẽ có nhiều vướng mắc. Đó là chiến lược quan trọng Chính phủ cần tính đến và vấn đề sẽ đặt ra không chỉ đối với hạ lưu sông Mekong mà đối với cả hạ lưu sông Hồng bởi Trung Quốc cũng đã xây dựng đập trên thượng nguồn sông Hồng.
KHIẾT HƯNG TTO
=============================================
Nguy cơ từ các con đập ở thượng nguồn sông Mê Kông (Báo Doanh nhân cuối tuần)
• Nguồn nước và tài nguyên bắt đầu cạn kiệt
• Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề
Mê Kông là con sông có chiều dài đứng thứ 12 thế giới, xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) băng qua Tây Tạng, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam rồi chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Con sông được xem là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho những nước mà nó chảy qua.
Năm 2007, đánh dấu 50 năm ngày thành lập Ủy ban sông Mê Kông của LHQ, cũng là thời điểm con sông Mê Kông đứng trước những nguy cơ dồn dập. Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) của LHQ ghi nhận mực nước con sông Mê Kông đã tụt xuống tới mức báo động kể từ 2004, trong khi tờ New Scientist đánh giá: “Trung Quốc đang làm kiệt mạch sống sông Mê Kông”.
Hàng loạt các phương tiện thông tin đại chúng khác cảnh báo: “Sông Mê Kông cạn dòng vì các con đập Trung Quốc” (Reuters AlertNet), “Xây đập và con sông chết dần” (The Guardian), “Sông cạn do các con đập Trung Quốc” (Bangkok Post)… - trong đó hầu hết đều quy trách nhiệm cho việc xây các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mê Kông.
Từ các mục tiêu tốt đẹp
Năm 1957, với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, Ủy ban sông Mê Kông (MRC) được thành lập bao gồm bốn nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (do chính quyền Sài Gòn đại diện) và một văn phòng thường trực đặt tại Bangkok, với kế hoạch phát triển toàn diện vùng hạ lưu sông Mê Kông nhằm cải thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong lưu vực. Trong những bước ban đầu, Ủy ban sông Mê Kông đã được sự hướng dẫn và hỗ trợ của Ủy ban Kinh tế châu Á và Viễn Đông (ECAFE) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Ngay từ đầu Ủy ban sông Mê Kông đã đánh giá tiềm năng thủy điện vô cùng phong phú của con sông - trước Trung Quốc tới hai thập niên - nên đã phác thảo kế hoạch xây các đập thủy điện lớn trên dòng chính nơi vùng hạ lưu, bao gồm:
- Dự án Pa Mong: cách thủ đô Vientian 15 dặm trên dòng chính sông Mê Kông như ranh giới thiên nhiên giữa Thái Lan và Lào.
- Dự án Sambor: cách thủ đô Phnompenh 140 dặm về hướng bắc trong lãnh thổ Campuchia.
- Dự án Tonle Sap: là một đập chắn giữa Phnompenh và Biển Hồ, hồ chứa thiên nhiên của con sông Mê Kông sẽ giảm thiểu nạn lụt đồng thời giảm thiểu lượng nước mặn xâm nhập vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ngoài ra, một số địa điểm khác trên dòng chính sông Mê Kông khi đó cũng được nghiên cứu cho những con đập khác như: đập Par Beng, đập Pak Lay và đập Luang Prabang nhằm sản xuất điện, mở thêm thủy lộ giao thông…
Nhưng rồi sau đó cuộc chiến tranh đã lan rộng ra cả ba nước Đông Dương hơn ba thập niên nên kế hoạch xây dựng các đập thủy điện lớn chắn ngang sông Mekong vùng ở vùng hạ lưu hoàn toàn bị gián đoạn, khiến cho con sông Mê Kông vẫn còn giữ được vẻ hoang dã và cả sự nguyên vẹn thêm một thời gian nữa.
Ngày 5-4-1995, bốn nước hội viên gốc của Ủy ban sông Mê Kông đã họp tại Chiang Rai, Bắc Thái Lan cùng ký kết một “Hiệp ước hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông” - nay đổi thành Ủy ban sông Mê Kông (MRC), không còn lệ thuộc vào ECAFE và UNDP nữa. Thay vì mỗi hội viên có quyền phủ quyết theo điều lệ của Ủy ban sông Mê Kông như trước đây đối với bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mê Kông, theo nội quy mới, không một thành viên nào có quyền phủ quyết như vậy.
Và mỗi quốc gia thành viên đều có một Ủy ban Mê Kông Quốc gia (NMC), riêng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam với một địa chỉ khá nghịch lý: 23 phố Hàng Tre, Hà Nội - nơi châu thổ sông Hồng, cách xa ĐBSCL với Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang hơn 1.600km.
Mục tiêu của Ủy ban sông Mê Kông bao gồm: ba chương trình nòng cốt (Chương trình sử dụng nước, Chương trình phát triển lưu vực, Chương trình Môi trường), năm chương trình khu vực (Nông nghiệp, Thủy lâm, Ngư nghiệp, Giao thông, Du lịch) và một chương trình yểm trợ.
Ủy ban Mê Kông đã hoàn tất được vài thành quả ban đầu như: đạt được thỏa thuận chia sẻ thông tin giữa bốn nước thành viên, thiết lập đưa vào sử dụng “mạng lưới Internet” dự báo lũ lụt và theo dõi dòng chảy mùa khô; và nhất là đạt được thỏa ước (ký tháng 4-2002) có thể gọi là lịch sử về trao đổi dữ kiện thủy văn giữa Trung Quốc và Ủy ban sông Mê Kông.
Đập nước Trung Quốc giết dần vùng hạ lưu
Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã thực sự mở cửa với thế giới bên ngoài và trở thành yếu tố mới năng động với ảnh hưởng bao trùm trên toàn lưu vực lớn sông Mê Kông.
Năm 1986, Trung Quốc bắt đầu xây con đập thủy điện lớn đầu tiên trong dự án 14 con đập bậc thềm Vân Nam, chắn ngang dòng chính sông Lan Thương - tên Trung Quốc của con sông Mê Kông: Trong đó có Đập Mạn Loan cao 126m, công suất 1.500MW hoàn tất năm 1993, đập Đại Chiếu Sơn cao 118m, công suất 1.340MW hoàn tất năm 2003. Thêm hai con đập khác cũng đang được xây dựng là đập Tiểu Loan cao như tháp Eiffel 292m, công suất 4.200MW (chỉ sau đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử), dự trù hoàn tất năm 2010; đập Cảnh Hồng cao 107m, công suất 1.500MW tương đương công suất với đập Mạn Loan, cũng đang được thi công.
Bốn dự án đập lớn khác ở Vân Nam cũng đang được triển khai: trong đó phải kể tới đập “khủng long” Ngọa Trác Độ công suất 5.500MW (lớn hơn gấp ba lần công suất đập Mạn Loan) với dung lượng hồ chứa còn lớn hơn nữa: 22.740 triệu m3 nước.
Theo học giả Mỹ Fred Pearce, vào đầu thập niên tới, chuỗi đập bậc thềm Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con sông Mê Kông trước khi ra khỏi Vân Nam.
Rõ ràng trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc đã ào ạt khai thác con sông Mê Kông, không ngừng xây thêm những con đập thủy điện khổng lồ ngang dòng chính, phá đá và khai thông các khúc sông ghềnh thác để mở thủy lộ cho các con tàu 700 tấn đi về phương Nam. Mới đây họ còn dùng sông Mê Kông làm con đường vận chuyển dầu khí từ Chiang Rai (Bắc Thái Lan) lên Vân Nam. Tất cả đã và đang làm ảnh hưởng tới nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và gây ô nhiễm cho hạ nguồn.
Trước đó, vào tháng 4-2006, Trung Quốc cũng đã ký kết với Myanmar một thỏa ước xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Sittwee ở vịnh Bengal vượt đồi núi băng qua các vùng sắc tộc đông dân cư để lên thẳng tới thủ phủ Côn Minh, thay vì phải đi qua eo biển Malacca. Ảnh hưởng môi sinh của công trình này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Chưa bao giờ trong mùa khô, mực nước sông Mekong lại xuống thấp đến như vậy từ ngày có những con đập Vân Nam. Ở một số nơi phía hạ lưu, có những khúc sông đã trơ đáy và hầu như cạn dòng. Nguồn cá và nông nghiệp đã trực tiếp bị ảnh hưởng.
Sự kiện sông Mê Kông cạn dòng với mực nước đột ngột tụt thấp xuống ở vùng hạ lưu tới tận Biển Hồ trong hai năm 1993 và 2003 mà không vào mùa khô, trùng hợp với thời điểm Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào hồ chứa của hai đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn trên Vân Nam.
Hồi đầu năm 2004, mực nước đã xuống thấp hơn nữa trong toàn vùng hạ lưu, không phải chỉ ở Thái Lan, Lào mà cả ở Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam. Khi nước bị giữ lại trong các hồ chứa khổng lồ Vân Nam để duy trì hoạt động cho các nhà máy thủy điện thì việc con sông cạn dòng là điều không thể tránh được. Tại ĐBSCL tình hình ngày càng xấu mà cụ thể nhiễm mặn vào sâu, thiếu nước cho nông nghiệp vào mùa khô và là kéo dài.
Odd Bootha, 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái Lan, đã than thở: “Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mê Kông chỉ còn là một con lạch”. Ở vùng Bắc Thái Lan, chính dân làng đã công khai chống lại kế hoạch phá đá phá ghềnh thác khai thông sông Mê Kông của Trung Quốc.
Với Campuchia, ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi sông Mê Kông còn đủ nước chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ, như một bảo đảm cho nguồn cá và vựa lúa của người dân xứ Chùa Tháp. Hiện chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy, nếu không muốn nói là đã có những dấu hiệu xấu về một Biển Hồ đang chết dần.
Fred Pearce, tác giả cuốn sách Khi những con sông cạn dòng, Nước - Khủng hoảng của thế kỷ XXI, xuất bản 2006, trong chương viết về Mê Kông, đã ghi nhận: “…Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời gian tuyệt vọng trên Biển Hồ, cơn lũ mùa hè thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì năm tháng con sông đổi dòng, nay chỉ còn có ba tháng. Rừng thiếu ngập lũ và cá thì không đủ thời gian để tăng trưởng… và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như vậy. Tại sao? Đa số ngư dân đổ tại con sông cạn dòng”.
Cần có một sự hợp tác bình đẳng
Để có đủ nước vận hành các đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông có lúc xuống tới mức thấp nhất. Phía tả ngạn bên Lào, chỉ riêng trong tháng 3-2004, tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn.
Việc Trung Quốc từ chối tham gia Ủy ban sông Mekong khiến tổ chức này trở nên vô nghĩa trong nỗ lực hợp tác khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên của con sông Mê Kông. Do nhu cầu điện của Trung Quốc tăng 5 - 6%/năm, để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế, trước viễn cảnh nguồn dầu khí ngày càng cạn kiệt, rõ ràng không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dừng bước hay trì hoãn kế hoạch khai thác nguồn thủy điện phong phú của con sông Mê Kông.
Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mê Kông của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (Mỹ) đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông… Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mê Kông đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc”.
Như một điệp khúc, phía Trung Quốc lúc nào cũng khăng khăng với lập luận là ảnh hưởng chuỗi đập Vân Nam trên sông Mê Kông là không đáng kể và còn có lợi nữa. Các con đập sẽ tạo thuận lợi cho chu kỳ lũ - hạn hàng năm, khai thông dòng sông sẽ làm gia tăng trao đổi thương mại trong vùng và giúp giảm nghèo. Tuy nhiên, cũng không thiếu tiếng nói chỉ trích ngay tại Trung Quốc như Xu Xiaogang, chuyên viên nghiên cứu hậu quả các con đập đã phát biểu: “Trên con sông quốc tế, không một quốc gia nào có thể vị kỷ. Họ phải quan tâm tới ảnh hưởng đối với các quốc gia khác và những tác động trên con sông như một tổng thể”.
Bên cạnh đó, hiện tượng nóng lên trên toàn cầu khiến con sông Mê Kông thêm cạn dòng. Tổ chức WWF đã đưa ra lời cảnh báo là hiện tượng nóng lên trên toàn cầu đã khiến cho những khối băng trên dãy Himalaya đang bị thu nhỏ lại với tốc độ từ 10 - 15m/năm. Với hậu quả ban đầu là gia tăng lưu lượng nước sông, nhưng theo Jennifer Morgan - Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu toàn cầu, thì chỉ vài thập niên sau đó, tình hình sẽ đảo ngược: Mực nước bảy con sông lớn của châu Á, trong đó có sông Mê Kông sẽ xuống rất thấp.
Hiện nay Trung Quốc vẫn không ngừng xây hàng loạt những con đập thủy điện khổng lồ trên dòng chính sông Mê Kông. Ủy ban sông Mê Kông chưa hề là một tổ chức đoàn kết có tầm vóc để được coi là đối trọng với Trung Quốc.
Tất cả sáu nước ven sông với những định chế chính trị xã hội và văn hóa khác nhau, nhưng cùng có chung một nhu cầu cấp thiết là khai thác con sông Mê Kông để phát triển. Nếu không có một sự hợp tác bình đẳng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc thì vẫn còn những mâu thuẫn quyền lợi và tranh chấp khi nguồn nước và tài nguyên của dòng sông đã tới mức giới hạn và bắt đầu cạn kiệt.
Theo HOÀI AN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
TTO 27/05: Đập nước hủy diệt các con sông
TT - Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy các đập nước đã gây hại như thế nào với các dòng sông. Ấy vậy mà trên sông Mekong đã có hàng chục con đập mọc lên... Hầu hết các nghiên cứu khoa học quốc tế nhiều năm qua đều đưa ra kết luận: đập nước gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng tới hệ sinh thái các con sông.
Theo Tổ chức môi trường International Rivers (Mỹ), hiện có khoảng 400.000 con đập, hầu hết được xây trong 50 năm qua, đang chắn các con sông trên thế giới. Hồ chứa nước của các con đập hiện chiếm hơn 400.000km2 diện tích mặt đất. Hồ nhân tạo lớn nhất thế giới Volta đằng sau đập Akasombo ở Ghana chiếm tới 4% diện tích quốc gia này.
Phá vỡ hệ sinh thái
Một con đập lớn dựng trên sông sẽ phá vỡ mối liên hệ tự nhiên giữa con sông và vùng đất nó chảy qua, tác động đến toàn bộ lưu vực sông và hệ thống sinh thái nó hỗ trợ. Hệ sinh thái sông và đồng bằng thích nghi chặt chẽ với chu kỳ lũ của con sông. Động thực vật dựa vào lũ để sinh sản, ấp trứng, di trú. Lũ hằng năm đưa dưỡng chất vào đất.
Trong khi đó các con đập cản trở lũ xuống hạ lưu sông. Nghiên cứu của International Rivers và nhiều tổ chức môi trường khác cho thấy các con đập trở thành tường rào ngăn chặn sự di chuyển của các loài sinh vật di trú giữa thượng nguồn và hạ lưu sông. Ví dụ như các loài cá hồi, các con đập cản trở chúng di trú lên thượng nguồn để đẻ trứng, qua đó đẩy số lượng sinh vật di trú giảm xuống.
Mỹ ngừng xây đập từ giữa thập niên 1990Ở Mỹ, nơi có 5.500 con đập, chính quyền đã ngừng xây đập từ giữa thập niên 1990 và đang đổ tiền để giải quyết những vấn đề lớn do các con đập gây ra. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 58% các dự án thủy điện trên thế giới được lên kế hoạch và xây dựng mà không hề tính đến tác động môi trường, kể cả khi các tác động này có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm, xói mòn nghiêm trọng...
Cửa sông, nơi nước ngọt chảy ra biển, là hệ thống sinh thái rất đa dạng. Khoảng 80% lượng cá con người đánh bắt được đến từ khu vực này. Việc các con đập thay đổi dòng chảy đến cửa sông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá tại vịnh Mexico, biển Đen và Caspian, vịnh San Francisco ở California...
Sự xuất hiện của con đập Akasombo đã hủy diệt ngành đánh bắt trai sò một thời vô cùng hưng thịnh ở cửa sông Volta, và khiến số lượng các loài cá nhồng ở đây giảm hẳn.
Các con đập cũng làm thay đổi nhiệt độ nước sông, qua đó tạo ra môi trường phi tự nhiên đối với các loài sinh vật địa phương. Các nghiên cứu cho thấy số lượng cá hồi trên sông Towy (Xứ Wales) sụt giảm mạnh có liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ nước sông do đập Llyn Brianne, xây trong thập niên 1960, gây ra. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở sông Rắn và vùng Klamath (bang Oregon, Mỹ).
Theo các nhà sinh học, đập là hình thức gây tác hại lớn nhất trong số các tác động dẫn tới sự sụt giảm của các loài sinh vật nước ngọt. Khoảng 20% trong tổng số 8.000 loài sinh vật nước ngọt hiện đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Cắt đứt nguồn trầm tích
Thông thường các con sông mang theo bốn loại trầm tích xuống đáy sông, cho phép sự hình thành bờ sông, châu thổ, phù sa, hồ, đê tự nhiên, đường bờ biển. Các con đập ngăn chặn dòng trầm tích chảy xuống hạ lưu sông. Mất đi nguồn trầm tích, dòng nước sẽ ăn vào bờ và lòng sông, khiến hệ thống bờ sông suy yếu và đáy sông tụt xuống. Khoảng chín năm sau khi hoạt động, đập Hoover trên sông Colorado (Mỹ) khiến đáy sông tụt xuống 4m. Đáy sông bị tụt xuống kéo theo mực nước ngầm dọc sông xuống thấp, đe dọa hệ thực vật quanh sông và giảm số lượng cá đẻ trứng trên mặt lớp sỏi đáy sông cũng như số động vật không xương sống. Tại Bắc Mỹ, 93% hiện tượng suy giảm số lượng hệ động vật nước ngọt bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Trước khi đập Aswan xuất hiện, sông Nile (Ai Cập) mang 124 triệu tấn trầm tích ra biển mỗi năm và gần 10 triệu tấn đến vùng đồng bằng hạ lưu sông. Ngày nay, tới 98% lượng trầm tích đó bị đọng lại đằng sau con đập. Hậu quả là chất lượng đất sụt giảm, ngành nông nghiệp vùng hạ lưu sông Nile bị ảnh hưởng nặng nề. Đập Aswan cũng gây xói mòn nghiêm trọng đường bờ biển. Vấn đề tương tự xảy ra đối với sông Volta. Đập Akasombo cắt đứt nguồn cung cấp trầm tích tới cửa sông Volta, ảnh hưởng đến cả hai nước láng giềng là Togo và Benin. Hiện mỗi năm, đường bờ biển Togo và Benin bị xói mòn 10-15m. Chính quyền Togo phải chi 3,5 triệu USD để bảo vệ mỗi kilômet đường bờ biển.
Các vùng châu thổ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các con đập. Nghiên cứu vùng đồng bằng sông Pongolo ở Nam Phi cho thấy số lượng sinh vật rừng sụt giảm sau khi một con đập được dựng lên. Và các cánh rừng dọc sông Tana ở Kenya cũng đang chết dần. Các con đập cũng phá vỡ quang cảnh thiên nhiên, đặc biệt khi được xây dựng tại vùng núi.
HIẾU TRUNG (Theo Internationalrivers.org, Wikipedia)