QuocHung's Blog

Con chợt thấy như mình lạc lõng…. Giữa chợ đời nghiệt ngã bon chen

NHỚ ANH!

Posted by angiangphoto trên 07/02/2012

NHỚ ANH!

Tôi biết anh từ khi tôi cưới vợ. Anh cũng biết tôi từ ấy vì vợ tôi là em của anh.

Lần đầu tôi đến nhà anh có lẽ là năm 86. Anh ở gần cầu Hoàng Diệu. Căn nhà lá anh mướn phía trước chủ nhà cũng cho ai đó mướn để sửa xe thì phải. Tôi nhớ có treo lỉnh khỉnh vỏ ruột xe và các thứ đồ nghề khác. Phía trong là phòng ngủ của anh, chỉ có nơi này là kín với gió mưa. Gian sau là nhà bếp, tôi thấy vách lá loang lổ, chỗ có, chỗ không;  nắng rọi lỗ chỗ nhìn lên thì thấy trời chói chang và từng đám mây trắng hờ hững bay qua. Tôi nghĩ những lúc mưa chắc anh chị không nấu nướng được gì. Toilet đặt ở ngoài nhà. Nói là toilet cho sang, chứ chẳng khác mấy với nơi giải quyết…  của các gia đình ở thôn quê khoảng những năm 70. Nói chung, chỗ ở của anh ngày ấy như túp lều, nhưng chắc chắn trong ấy có hai quả tim vàng… Và cuộc đời ai biết ra sao ngày sau, nhất là với anh, một người luôn biết vươn lên. Thời ấy đồng lương của mỗi người, nói không quá đáng chứ lãnh lương chỉ để tượng trưng cho có thôi, để còn nhớ mình là nhân viên nhà nước, được nằm trong biên chế. Như tôi là bác sĩ mới ra trường thì được 75% của 60 đồng. Có lẽ chỉ đủ ăn sáng và uống cà phê ngày hai cữ.

Lương không đủ để một người tiêu xài ngoài hai bữa cơm chính, nói gì đến chuyện nuôi vợ và con. Còn các chế độ lương thực, nhu yếu phẩm cũng được tính chi li theo từng giai tầng của mỗi cá nhân trong xã hội và ai không là nhân viên nhà nước thì tiêu chuẩn càng ít. Sau này nhớ lại, nhiều người sẽ rất tự hào là mình đã rất kiên cường, dũng cảm, đã vượt qua những ngày khó khăn ấy. Có lẽ anh cũng thế.

Anh xuất thân từ trường Đại học khoa học Sài Gòn. Khoảng những năm 70, ai đỗ được tú tài toàn phần là vinh dự lớn lắm, làng xã ở quê năm nào có người thi đỗ là một sự kiện lớn, ai cũng biết nếu làng xã nào có người thi đậu vào đại học thì lại càng vinh dự hơn.

Thời ấy, sinh viên được học đến ngày ra trường thì ai cũng khen là học giỏi. Bởi sinh viên nào bị lưu ban, thì đã bị quân trường vẫy gọi. Dường như anh hoàn thành đại học vào năm 1975 thì phải, năm có nhiều biến cố và nhiều thay đổi lớn trong nhận thức của từng người và trong đời sống xã hội. Nghe kể, lúc ấy anh cũng có nhiều dịp để ra nước ngoài như nhiều người khác, nhưng anh đã quyết định ở lại. Có lẽ trái tim anh chỉ hướng về gia đình, quê hương và có lẽ vì một lí do quan trọng khác nữa – Một bóng hồng đang ngự trị trong tim anh! Nghe kể rằng chị Cúc là hoa khôi của đất Tân Châu dạo ấy.

Anh là người thẳng thắn, không lòn cúi…, kẻ sĩ giữ lòng tự trọng, ai giao việc gì thì hoàn thành tốt, ai thấy năng lực thì cất nhắc, ai đè nén anh cũng kệ, không tranh giành quyền chức, không quy lụy, không xin xỏ ai điều gì. Vì vậy mà hoạn lộ của anh thăng tiến không tương xứng với quá trình và năng lực của anh. Được biết khi thủ trưởng trực tiếp mà anh đã làm chung nhiều năm, rất được lòng, được tin tưởng, trở thành bí thư tỉnh. Nếu là người khác thì có lẽ hoạn lộ hanh thông, thẳng tiến. Nhưng với anh thì không, anh vẫn vậy.

Anh yêu khoa học, có tinh thần khoa học, vì thế nên anh đã chọn trường Đại học khoa học và sau này anh là một trong những người đầu tiên của tỉnh được cử đi học về máy vi tính và internet… Nhờ thế mà anh và chị tìm việc làm thêm để tăng thu nhập. Đời người đâu phải ai cũng nuôi dạy cả hai đứa con tốt nghiệp đại học và tạo dựng được cơ ngơi như anh hôm nay từ những đồng tiền chân chính kiếm được. Lúc về hưu anh còn tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn của mình mà lương lại cao gấp hai, ba lần lúc trước. Thật tiếc, anh phải dừng bước khi con đường phía trước đang rộng mở, tuổi sắp già, sắp được thảnh thơi!

Anh là người rất giàu tình cảm, dễ xúc động. Anh không ghét, không giận ai lâu. Trong anh em có người không phải với anh, anh chỉ giận thoáng qua rồi quên đi và khi gặp lại người ấy đang có khó khăn anh vẫn dốc hết túi mình đưa cho. Tôi có việc gì nhờ đến anh, anh cũng rất nhiệt tình cho đến khi xong việc. 

Trong nhà, anh có biệt danh là “Năm Lệ” vì anh rất dễ khóc, đó là khi anh còn nhỏ, tôi chưa thấy anh khóc lần nào ngoài trừ trong tang lễ của Ba và Má chúng tôi.

Hai lần anh đọc điếu văn mà nước mắt giàn giụa. Biết là điếu văn đã được viết với lời văn sâu sắc, xúc tích và cảm động nhưng qua giọng đọc đẫm lệ của anh, người nghe càng xúc động thêm. Không những tất cả chúng tôi đều giàn giụa nước mắt mà khách đến viếng và những người không liên quan đến xem cũng mủi lòng, rơm rớm nước mắt theo.

Từ khi anh biết rõ căn bệnh anh đang mang, dù anh rất lo, nhưng tôi không thấy anh biểu lộ nỗi buồn hay than thở với ai. Anh luôn cố chịu đựng nỗi đau, những ngày sau mổ anh không một lần than đau, bác sĩ đặt lại ống dẫn lưu dịch màng phổi khi phổi anh có nước lại, anh cũng xem là chuyện thường. Nhưng có một lần tôi và Huệ đến thăm anh sau khi anh tái khám và chụp CT lại. Hôm ấy chị Cúc đi công việc, Khoa đi học. Còn lại một mình anh với tôi và Huệ, anh đưa tôi xem giấy đọc kết quả CT và biên bản vừa hội chẩn. Anh hỏi tôi: có phải không tốt không? Tôi thấy hai mắt anh đượm vẻ thật buồn. Tôi xem hồ sơ và thấy đúng như anh nói, nhưng tôi không nói gì cả. Nói chi nữa, chỉ làm anh buồn thêm thôi. Vả lại, anh cũng đã biết rồi. Dường như anh cũng hiểu thế, anh nói: “phải chiến đấu đến cùng thôi”. Tôi tìm lời an ủi anh.

Ngồi lâu (chờ chị Cúc về) kể lại nhiều chuyện cũ. Chợt anh hỏi tôi “Có phải trong lịch sử cũng có người tên Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng?” (anh có hai người cậu họ, nghe nói rất dũng cảm và có cuộc đời đầy bí ẩn tên Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng). Tôi nói phải, Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng là hai con trai của ông Nguyễn Kim. Tôi kể anh nghe chuyện Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và Nguyễn Kim là người đã tìm dòng dõi nhà Lê và khởi binh chống lại Nhà Mạc để khôi phục triều Lê. Ông Nguyễn Kim còn có người con gái lớn tên là Ngọc Bảo đã gã cho Trịnh Kiểm là một tướng tài dưới trướng của ông. Khi Nguyễn Kim đột ngột qua đời vì trúng độc dược của một hàng tướng nhà Mạc, binh quyền đều thuộc về Trịnh Kiểm. Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng trước đó cũng có tham gia chiến trận và lập được nhiều công lớn. Vì sợ Nguyễn Uông có ngày sẽ tranh quyền với mình, nên Trịnh Kiểm kiếm cớ giết đi. Nguyễn Hoàng sợ mình có ngày cũng bị hại nên nhờ chị nói với Trịnh Kiểm xin cho vào trấn thủ Thuận Hóa (phía nam dãy Hoành Sơn và vùng đất cực nam). Trịnh Kiểm nghĩ mình đã giết Nguyễn Uông, không thể giết cả Nguyễn Hoàng nên chấp thuận để đẩy Nguyễn Hoàng đi xa tránh hậu họa. Tôi cũng kể anh nghe về những lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm khi trả lời các sứ giả của Trịnh Kiểm và nhất là lời sấm “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” mà ông đã nói với người nhà của Nguyễn Hoàng khi Nguyễn Hoàng cho người đến hỏi về hậu vận của mình. Anh khen tôi nhớ sử rành quá.

Tôi lại kể về công cuộc xây dựng, củng cố thế lực và mở mang bờ cõi về phương Nam của các Chúa Nguyễn đầu đời của sự nghiệp Đàng trong. Khởi đầu là Nguyễn Hoàng (tục gọi là Chúa Tiên), Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi), Nguyễn Phúc Lan (chúa thượng), Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền, trước ở Sài Gòn có đường Hiền Vương sau này đổi tên là đường Võ Thị Sáu), Nguyễn Phúc Trăn (Chúa Nghĩa), Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa). Nhờ thế nước ta mới có thêm vùng đất từ  Phan Rang, Bình thuận đến Cà mau, lại có thêm các quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa; Côn Đảo, Phú Quốc… Biên giới phía Tây mới đến tận Hà tiên, Châu đốc, Đồng tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước như ngày nay. Được anh khuyến khích tôi nói thêm về bảy lần đánh nhau giữa hai họ Trịnh, Nguyễn kéo dài trong bốn mươi lăm năm. Trong bảy lần ấy, quân Trịnh miền Bắc tấn công vào Nam sáu lần, quân Nguyễn chỉ một lần tấn công ra Bắc.

Họ Nguyễn ở miền Nam chống đỡ vững chắc trước sức mạnh của họ Trịnh là nhờ có các tướng tài như Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật và Đào Duy Từ. Họ đã đắp các thành lũy kiên cố như lũy Thầy, lũy Trường Dực, ngày nay cổ thành Quãng Trị là một phần di tích của các thành lũy này. Nhân nói đến cuộc đời của Đào Duy Từ, từ lúc chăn trâu đến lúc được tiến cử làm tướng, tôi thấy anh có vẻ vui, anh cười. Thì ra, chỗ anh đang ở là khu phố Đào Duy Từ.

Anh khen tôi nhớ lịch sử nhiều quá, hỏi đến đâu nói đến đó. Lần đầu tiên tôi được hỏi trúng vào những gì mình nhớ để được nói, được khen. Tôi cũng thấy vui!

Tôi gặp anh lần cuối, hôm thứ sáu. Một ngày thứ sáu mà tôi không thể nào quên!

Hôm ấy tôi định thứ bảy sẽ đến thăm anh thì tiện hơn, nhưng được biết tối qua anh mệt nhiều, anh không ngủ được. Nên tôi và T.Huệ muốn đến thăm anh sớm hơn. Thật lòng từ lúc sau mổ, sau hóa và xạ trị đợt đầu, tôi cảm thấy dường như bệnh của anh đã không đáp ứng với điều trị. Loại tế bào ung thư mà anh mang trong người (carcinoma) là loại di căn rất sớm và dễ di căn xa, nhưng tôi không dám cho anh biết vì sợ anh sẽ buồn nhiều thêm, sẽ mất hết niềm tin và buông xuôi. Vã lại có còn phương pháp điều trị đáng tin nào khác nữa đâu! Từ lúc thấy có nổi hạch ở cổ anh bên phải, rồi bên trái và CT nghi ngờ có di căn ở não, ở xương, tôi đã liên tưởng đến điều xấu nhất có thể đến với anh không xa. Tôi đã nói suy nghĩ này với chị Cúc, với Khoa và với tất cả người nhà của tôi, để khi tình huống xấu đến với anh thì mọi người sẽ không bị bất ngờ. Những ngày cuối của anh không còn dài được nữa. Tôi và Huệ đến nhà anh lúc hơn 14h, anh ngồi trên võng. Trông anh có vẻ mệt nhiều, tiếng nói của anh nhỏ và ngắt quãng, anh thở khó, hai má phập phồng theo từng nhịp thở. Anh nói tối qua anh mệt nhiều tưởng không qua khỏi, tối nay nếu mệt như thế sợ đi bệnh viện không kịp. Chúng tôi cùng bàn tính và gọi hỏi thử xem xe cấp cứu y tế (115) xem nếu gọi thì khoảng bao lâu họ sẽ đến nhà và bao lâu thì đến phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy? Tôi thấy anh có ý muốn nhập viện lại ngay chiều đó. Tôi động viên riêng mọi người: giờ thì việc chữa trị cho anh khỏi bệnh không còn là mục đích nữa, mà chỉ cốt làm cho anh được vui, được vừa ý, được thấy tất cả người thân luôn hết lòng chăm sóc cho mình. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc cuối cùng mà chúng tôi có thể làm cho anh cảm nhận được. Thế là chúng tôi thống nhất và chuẩn bị để đưa anh vào lại bệnh viện (bệnh viện Chợ Rẫy vừa cho anh về nhà chỉ mấy ngày trước đó)

Chị Cúc đã chuẩn bị xong, chúng tôi bắt đầu đi bệnh viện. Khoa vác bình oxy xuống thang lầu (dạo sau này anh hay bị mệt nhiều nên mua oxy để sẵn khi anh mệt thì có sẵn ở nhà) đem theo để phòng khi trên đường anh bị mệt, chị Cúc xách hành lý, tôi và T.Huệ dìu hai bên anh, phải cho tay qua nách và vịn để anh không bị ngã. Tôi dặn anh bước thật chậm và thở đều, đi được vài bậc thang tôi để anh dừng lại nghỉ và thở đều rồi đi tiếp, đến bậc ngang tôi nói anh ngồi nghỉ vài phút, anh cũng đồng ý. Từ lầu hai xuống, chúng tôi đi mất gần mười phút. Tôi tiếc đã không chụp được tấm hình nào để lưu giữ hình ảnh của anh và tôi hôm ấy, nhưng có lẽ hình ảnh ngày ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong tôi! Anh lên taxi còn tôi và T.Huệ đi theo sau đến phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy.

Không may chiều hôm ấy phòng cấp cứu có quá đông bệnh nhân, tôi không vào được với anh, phải ở lại chỗ cửa trước và được phân công giữ bình oxy. Chị Cúc,T.Huệ và Khoa thì ra cửa sau lâu lâu tranh thủ vào thăm anh một chút, nhưng cũng bị nhân viên ở đó kêu ra. Tôi được biết đã có bác sĩ đến khám cho anh và sẽ chuyển anh lên lầu tám.

Xui một nỗi là nhân viên ở đó đã làm thất lạc hồ sơ của anh, nên chờ hoài không thấy họ cho chuyển phòng để được nghỉ ngơi và bớt ồn ào. Hỏi thì họ trả lời cáu gắt như không muốn nói chuyện. Anh đói bụng, nhưng theo quy định chung của phòng cấp cứu là không cho bệnh nhân được ăn uống. Khoa phải giấu mới tiếp tế được ít nước cho anh uống. Mãi đến mười một giờ đêm họ mới chuyển anh lên lầu tám, có được chỗ yên ổn nghỉ ngơi lại được tiêm thuốc anh thấy khỏe hơn. Tối đó anh cũng ngủ được hơn.

Sáng hôm sau anh khỏe, anh viết vào blog: nhập viện là đúng không phải lo sợ như ở nhà. Tội nghiệp, anh yêu đời và luôn thiết tha hi vọng một ngày nào đó anh sẽ khỏi bệnh!

Ba bốn năm trước cũng vậy, lúc anh nằm ở bệnh viện Thống Nhất, khi họ đưa anh vào phòng thủ thuật để chụp hình động mạch vành tim từ bên trong. Họ chẩn đoán anh bị hẹp động mạch vành ở một nhánh phụ, nhưng lại đề nghị phải đặt hai ,ba stent cho anh. Họ bảo là chúng tôi phải quyết định trong vòng một, hai phút thôi để họ thực hiện ngay. Chị Cúc,T.Huệ và tôi còn đang lưỡng lự không biết có nên nghe theo không. Không phải là chúng tôi tiếc tiền, nhưng liệu có đúng chỉ định chưa? Có thật cần không? Trong lúc chúng tôi còn phân vân thì bác sĩ cho đẩy anh ra. Lúc đó anh có vẻ không bằng lòng với chúng tôi. Tôi thấy anh cũng có vẻ buồn chị Cúc. Anh nói: “không đủ tiền thì bán nhà cũng được…”.  Tôi và T.Huệ có nói với anh  chị  nếu cần thì chúng tôi sẽ ứng tiền trước, chừng nào anh có đưa lại cũng được và giải thích rõ với anh về mặt chuyên môn. Khi hiểu ra, anh hết buồn và tôi cũng thấy nhẹ lòng!

Tôi kể như thế để thấy rằng anh tha thiết và yêu quý cuộc sống này biết bao nhiêu! “Người còn thì của hãy còn”, còn được sống là còn tất cả. Anh còn biết bao điều phải nói, phải làm, còn biết bao tình yêu thương phải san sẻ cho tất cả những người mà anh đã thương yêu trên đời này.

Anh nhập viện lại lần này, tôi biết chị Cúc và Khoa đã mệt mỏi nhiều rồi, giờ sẽ phải cực nhọc hơn nữa vì anh đã yếu hơn nhiều. Mà đã hơn tám tháng rồi còn gì, nếu không khéo thì người nuôi bệnh cũng sẽ bệnh theo. Mấy lần trước anh nhập viện, chế Mai,T.Huệ và tôi muốn vào ban đêm với anh nhưng anh nói anh không sao đừng vào, không có chỗ nằm nghỉ. Vì vậy chế Mai và T.Huệ luân phiên vào với anh mỗi ngày. Riêng tôi vẫn tiếc vì đã không thức được với anh đêm nào!

Từ lúc anh nhập viện lại đã được gần hai tuần, tôi định chiều thứ sáu sẽ vào thăm anh, nhưng mười giờ sáng thứ sáu, tôi được biết tối qua anh mệt nhiều và sáng thì bác sĩ cho biết nên đưa anh về nhà. Tôi linh cảm tình huống xấu nhất sắp đến với anh. Tôi nhờ nói với chị Cúc là tôi sẽ theo xe đưa anh về Long Xuyên, tôi cũng muốn mướn thêm một y tá cùng đi, để trợ thủ cho tôi khi phải cấp cứu anh trên xe. Tôi hỏi kỹ giờ xuất phát và được biết phải chờ chị Cúc làm các giấy tờ xuất viện. Việc này phải đến đầu giờ chiều.

Tôi chuẩn bị sẵn hộp thuốc cấp cứu, mua thêm vài thứ. Chuẩn bị xong, tôi và T.Huệ đi ngay, nhưng vừa đến cổng bệnh viện thì hay tin anh đã mất! Tôi đến bên giường anh, anh vẫn còn đó nhưng còn đâu nụ cười thật hiền và ánh mắt chan chứa yêu thương! Anh đã ra đi trong nhẹ nhàng , thanh thản! Người thân đứng quanh anh, ai cũng đau buồn và mắt đẫm lệ tiếc thương anh!

Được biết sáng đó bác sĩ nói với anh chuyện về nhà, anh hiểu là họ đã “chạy”! Chút hi vọng cuối cùng trong anh đã không còn nữa, anh như buông xuôi. Anh mệt nhiều, mỗi nhịp thở như sự gắng sức tột cùng, mắt anh cố nhìn vào tất cả những người thân bên cạnh như muốn nói điều gì! Khi nghe nói tôi sẽ đi chung xe đưa anh về nhà , anh còn biết và gật đầu. Rồi anh lịm dần. Chỉ đến khi chị Cúc kêu anh, nhiều người hỏi anh có nghe không, có biết ai không? Anh như ngọn đèn leo lét chỉ còn giọt dầu cuối cùng. Gom hết sức tàn cạn kiệt và âm thanh cuối cùng còn nghe được từ anh trước lúc anh đi là “Cúc”. Tôi tin chắc là anh còn thần trí để cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của âm thanh ấy! Âm thanh cuối cùng mà anh nói được trên cõi đời này là tên của người mà anh đã yêu thương nhiều nhất. Có lẽ anh rất an lòng, còn gì toại nguyện hơn trong khoảnh khắc cuối cùng được một lần nhìn mặt, được một lần cuối gọi tên người mình yêu thương! Có lẽ đó cũng là giây phút xúc động nhất và là niềm an ủi thiêng liêng nhất đối với chị và có lẽ chứng kiến giây phút chia ly ấy ai cũng đau lòng và đồng cảm sâu sắc với anh chị.

Lúc Ba Má chúng tôi còn sinh tiền, tết nào anh cũng đưa chị và các cháu về thăm Ba Má và chúng tôi. Anh gặp ai cũng vui,  Anh rất nhiều tình cảm nhưng ít nói. Dạo ấy tôi bận lắm, công việc quá nhiều nên ít khi tôi được ngồi lâu với anh. Có một tết lâu lắm rồi, lúc nhà nước chưa cấm đốt pháo, giao thừa nhà nào cũng đốt pháo. Pháo nhà tôi chưa kịp treo, chưa kịp đốt, bị tàn lửa làm nổ ngay trong nồi, lửa đỏ và khói bay mù mịt, Ba Má tôi rất sợ bị cháy nhà, cả nhà ai cũng sợ. May mà có anh tôi thấy nhẹ lo.

Từ lúc Ba Má chúng tôi quy tiên, tết nào các anh chị em chúng tôi cũng hẹn gặp nhau cùng một ngày, để cúng lạy ở phủ thờ và cùng vào thăm “Trương – Dương Gia Mộ”. Tất cả các anh chị em, các con các cháu gặp nhau ai cũng vui cười, rạng rỡ, thăm mộ, thắp nhang tưởng nhớ ông bà. Rồi cùng quây quần quanh bữa tiệc dọn sẵn gần đó. Mọi người sum họp vui vầy bên nhau cho đến lúc chia tay vẫn còn đầy luyến tiếc và biết là tết sau cũng sẽ gặp lại nhau. Giờ thì không còn tết nào được như thế nữa!

Lần nào về thăm mộ ông bà, Ba Má, anh cũng là người đầu tiên đến thắp hương trước mộ Thúy Vân (người em út của anh đã mất cách nay gần bốn mươi năm). Giờ thì các anh chị em chúng tôi và các cháu của anh ít người được thắp hương cho anh, nhưng bù lại chị Cúc và các con anh được viếng anh nhiều hơn. Mong là anh sẽ không thấy buồn!

Tết này tôi nhớ anh nhiều, nhiều lắm!

Mùng năm tết Nhâm Thìn.

T.K  T.H

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Viếng mộ ngày Xuân

Posted by angiangphoto trên 01/02/2012

Tết Nhâm Thìn 2012  này, gia đình Bảy  Hoa đã viếng thăm phủ thờ và mộ ông bà vào mùng 2 Tết. Sau đây là  một số hình ảnh

Với Mẹ

 

Hai chị em

 

Trước mộ Ba Má

 

Trước mộ ông bà

 

Mùng 9 Tết – tức 3 tháng sau ngày anh mất, hai mẹ con đã lên viếng mộ anh Nguyên. Thời gian mới đó mà nhanh quá!

Mời anh ăn kẹo Tết

Bé Uyên trước mộ Cậu

Chúc Đại gia đình năm mới vui vẻ và nhiều may mắn!

Thúy  Hoa


Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Một số hình ảnh hôm viếng thăm mộ Cậu – Thất 2

Posted by angiangphoto trên 08/12/2011

Nửa tháng trước, con về giỗ Ngoại rồi thăm mộ Cậu – đã xây dựng hoàn chỉnh, chụp vài bức ảnh cùng gia đình.

Chú thợ xây dựng bảo: “Chắc chú phù hộ nên làm cái gì cũng nhanh. Chỉ hai ngày là xong. Để vào đâu là vừa, là khớp đấy”.

Mọi người nói, vì Cậu thích màu gạch đen này, phải không Cậu?

Mợ nói, từ trước đến giờ, Cậu toàn đứng ngoài cầm máy bấm chụp cho mọi người, hôm nay cả nhà chụp một tấm cùng Cậu. Nghe mà buồn, mà nhớ lắm Cậu ơi!


Hôm nay đã là thất thứ 5 rồi…

Posted in Uncategorized | 2 Comments »

Tiếp tục đưa hình ảnh Lễ Tang Cậu Năm

Posted by angiangphoto trên 12/11/2011

Dù rất đau buồn trước sự ra đi của Cậu Năm, nhưng Phương Uyên đã cố gắng ghi lại một số hình ảnh trong Lễ Tang của Cậu.

Thành tâm nguyện cầu cho hương hồn Cậu Năm Dương Quốc Hùng mãi mãi an vui nơi cõi Vĩnh hằng!

This slideshow requires JavaScript.

(Posted by Uyên Phạm)

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

GỬI THEO ANH!

Posted by angiangphoto trên 12/11/2011

Thế là cuộc chiến đấu của Anh đã phải dừng lại!

Cuộc chiến nào rồi cũng đến hồi kết thúc: thắng, thua. Nhưng tiếc thay! Anh đã không còn cơ hội để thể hiện tinh thần kiên cường, chiến đấu đến phút cuối, sự chịu đựng đau đớn và niềm hy vọng mãnh liệt trong Anh. Niềm hy vọng ấy vẫn luôn bùng cháy đến phút cuối trước lúc hơi thở và nhịp đập cuối cùng của trái tim Anh ngừng lại!

Đau đớn thay! Anh không thể thắng trong cuộc chiến cuối cùng này – cuộc chiến để giành lại sự sống. Định mệnh đã mang Anh đi bất chấp niềm khát khao được sống không lúc nào tắt trong Anh, cho dù thân thể Anh đã trải qua biết bao đau đớn, ý chí của Anh đã qua biết bao thử thách. Từng dòng chữ của từng ngày tháng qua Anh ghi lại vẫn còn đây. Giờ thì Anh đã đi xa!

Anh ơi, khoa học dù đang phát triển vượt bậc. Con người đã đến được mặt trăng, đã đến gần được sao Hỏa, sao Kim… Người ta chỉ trong khoảnh khắc đã nghe được nhau, được nhìn thấy nhau khi ở cách xa nhau hàng nửa vòng trái đất… Thế nhưng nhân loại vẫn còn phải chịu nhiều bất hạnh như Anh và những người cùng cảnh ngộ với Anh! Y học đã rất phát triển. Người ta đã cấy ghép được nhiều cơ quan của con người, đã dùng vật liệu để thay thế nhiều bộ phận trong cơ thể, đã tìm ra được nhiều phương thuốc trị được nhiều bệnh nan y. Nhưng bất hạnh thay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của căn bệnh ung thư. Tất cả những gì nêu ra chỉ là những yếu tố thuận lợi, những nguy cơ có thể làm cho bệnh phát sinh thôi. Chính vì vậy mà chưa có biện pháp điệu trị nào, một loại thuốc nào có thể đảm bảo trị dứt được ung thư (như trong các bệnh khác). Khi đã phát hiện ung thư (trừ khi được phát hiện thật sớm và được điều trị đúng ngay từ đầu) thì khả năng được sống thêm chỉ 6 tháng, một năm là rất thường, nếu được hai năm là mừng lắm. Còn nếu được năm năm hay hơn nữa là rất hiếm hoi vì thế mà trước đây và bây giờ vẫn thế, khi nghe bác sĩ chẩn đoán xác định bị ung thư thì như một “bản án tử” đã treo lơ lửng trước mắt. Ai cũng cảm thấy đau buồn và sợ hãi.

Nhưng Anh đã không như thế, Anh đã mạnh mẽ đương đầu với nó! Mới hôm trước đây, khi chụp CT nghi ngờ có di căn ở não, Anh vẫn cười và nói “phải tiếp tục chiến đấu thôi…” dù lúc đó sức lực của Anh đã hao mòn đi rất nhiều. Trong suốt quá trình điều trị, Anh thầm mong cho mau đến đợt điều trị mới, dù mỗi lần xạ trị hay hóa trị, thân thể Anh đã đau đớn biết bao! Tiếc thay, ý chí kiên cường đó của Anh giờ đây định mệnh đã làm cho vụt tắt.

Anh rất tin ở khoa học, y học, rất tin ở năng lực của các bác sĩ. Anh không tin những lời đồn đãi: vị thuốc này, cây cỏ kia có thể trị được ung thư. Anh cũng bỏ ngoài tai lời đồn: thầy lang này có thuốc gia truyền, thầy lang kia có phương thuốc thần bí… Nó không có một chút cơ sở khoa học nào. Tiếc thay, niềm tin vào khoa học của Anh chưa được đáp lại. Giờ đây Anh đã ra đi, nhưng có lẽ Anh đi rất thanh thản sau khi đã được mãn nguyện,  đã được điều trị và chăm sóc bằng tất cả phương tiện tốt nhất. Và vì thà ta đi đúng đường mà chưa đến đích vẫn thỏa lòng hơn là khi ta bị lạc lối để rồi phải hối tiếc phải không Anh?!

Được biết đám tang của Anh đã diễn ra rất trang trọng với biết bao tiếc thương của nhiều người. Anh là người chồng, người cha tốt. Người con được trân trọng, mến thương của tất cả mọi người trong gia tộc. Anh cũng là người bạn tốt, người đồng nghiệp được kính mến, thương yêu. Anh bệnh nhưng có ai biết gọi điện thăm Anh, Anh đều nói Anh khỏe để không ai phải mất công, bỏ việc hay hao tốn chi phí đến thăm Anh. Rất nhiều người thân chỉ gặp lại Anh, khi Anh đã vĩnh viễn đi xa. Vì thế ai cũng muốn đến với Anh, muốn ở lại với Anh đến phút cuối cùng trước khi Anh đi vào lòng đất xa xăm, tăm tối! Vĩnh biệt Anh với bao tiếng khóc, tiếng nấc từ tận đáy lòng!

Ôi, nhân gian! Kiếp người ngắn ngủi! Dẫu bảy, tám mươi năm cũng chỉ là khoảnh khắc so với sự trường tồn của trời đất, trăng sao, sông núi… Ôi, chết là hết! Không còn được nhìn, được nghe tiếng thở của đất trời, của trăng sao, của hoa cỏ… Không còn có ai thân thương ở bên mình, không còn có ai để được nói, được nghe, được vỗ về, để yêu thương và được thương yêu…

Đời người ngắn ngủi! Ôi, ngoài cõi nhân gian này con người còn được tồn tại ở nơi nào nữa đâu? Tồn tại dưới hình hài ra sao? Còn nghĩ suy và còn làm được gì nữa? Mảnh linh hồn ai biết chắc có hay không và có còn mãi với thời gian? Sẽ phiêu diêu ở phương nào? Cõi vô minh, tâm tối diệu vợi, bao la, không bờ bến, nào ai biết được điều gì?

Vòng luân hồi cũng thế. Biết có hay không? Nào ai dám chắc? Nhưng kiếp sau dẫu có cũng đâu còn  nhiều ý nghĩa? Khi ta không còn mang hình hài này, không còn gặp lại những người thân thương, không còn được thổ lộ những gì mà mình còn ôm ấp, ngổn ngang trăm mối trong lòng trước lúc chia xa! Không còn tiếp tục được làm những gì mà ta đã dự định hay đang bỏ dở…! Ôi, một người yêu đời và tha thiết đươc sống như Anh còn biết bao điều phải nói, biết bao việc phải làm!

Ôi nhân thế! Chết là hết, hết tất cả! Hết rồi một kiếp người ngắn ngủi. Cõi nhân gian này sẽ còn và nối tiếp, nhưng chúng ta rồi mỗi người cũng lần lượt ra đi, đi mãi, xa mãi không về được nữa! Còn lại gì để đời còn biết có ta?

Những ngày đau thương trên giường bệnh, Anh đã tận dụng chút thời gian còn lại của đời mình để tìm hiểu, ghi chép từng chi tiết diễn biến của căn bệnh quái ác trong Anh. Anh đã sưu tầm, liên lạc với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Anh đã chia sẻ với những người bất hạnh, cùng cảnh ngộ như Anh. Mong rằng trang blog này sẽ trở thành diễn đàn giao lưu, an ủi, san sẻ… giữa các người thân của người bệnh với nhau, giữa các bệnh nhân ung thư với nhau và giữa bệnh nhân với bác sĩ – những người luôn thể hiện tấm lòng của một lương y. Nếu thế thì công trình của Anh để lại tuy không lớn nhưng có ý nghĩa và lợi ích vô cùng!

Vào trang blog này vẫn luôn tưởng như còn có Anh hiện diện ở nơi này.

Vĩnh biệt Anh với lòng tràn ngập nỗi tiếc thương vô hạn!

Lê Trọng Kim

Trích từ blog http://www.ungthuphoi.wordpress.com

Posted in Uncategorized | Thẻ: , , | Leave a Comment »

Lời Cảm tạ

Posted by angiangphoto trên 12/11/2011

Báo An Giang ngày 10/11/2011 đã đăng Cảm tạ của gia đình anh Dương Quốc Hùng.

This slideshow requires JavaScript.

Một lần nữa xin gửi đến tất cả quý vị lời cảm ơn chân thành và  cầu chúc gia đình Sức khỏe, An khang.

Posted by ThanhHung Pham

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Đưa thêm hình ảnh thân bằng quyến thuộc, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đến tiễn biệt anh Dương Quốc Hùng

Posted by angiangphoto trên 11/11/2011

Lễ Tang anh Dương Quốc Hùng diễn ra trong 03 ngày.
Dưới đây là những hình ảnh trong hai ngày đầu 04-05/11/2011.
Ngày 04/11/2011: Lễ Nhập quan (23g) Phát tang và Cầu siêu
Ngày 05/11/2011: Tiếp tục Lễ Cầu siêuphúng viếng của thân bằng quyến thuộc, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp…

This slideshow requires JavaScript.

Posted by ThanhHung Pham

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Toàn cảnh buổi sáng cuối cùng lưu luyến tiễn biệt anh Dương Quốc Hùng mãi mãi đi xa

Posted by angiangphoto trên 11/11/2011

Sau khoảng hơn 8 tháng kể từ lúc phát hiện bệnh K. và kiên trì điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đúng 14giờ, ngày 04/11/2011 (nhằm ngày mùng 09/10/ năm Tân Mão), anh Dương Quốc Hùng (tên gọi gia đình: Nguyên – Cậu Năm của Phương Uyên, Đăng Huy…) đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt tất cả những thân yêu để về với “cõi không màu” (Chế Lan Viên), hưởng dương 58 tuổi.

Sự ra đi của Anh là một tổn thất vô cùng lớn lao đối với gia đình và dòng họ.

Thân bằng quyến thuộc, rất nhiều người đã đến tiễn đưa Anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng (Nghĩa trang tỉnh An Giang).

Cầu mong hương hồn Anh mãi mãi yên vui nơi miền Cực lạc.

Dưới đây là một số hình ảnh tiễn biệt Anh, sáng ngày Chủ nhật 06/11/2011:

This slideshow requires JavaScript.

(Posted by ThanhHung Pham)

Xin chân thành cảm ơn quý thân bằng quyến thuộc, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệpcá nhân đã đến tiễn đưa Anh Dương Quốc Hùng về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Rất mong lượng thứ những sơ suất nếu có, trong suốt thời gian diễn ra Lễ Tang.

Posted in Uncategorized | Leave a Comment »

Đêm Cuối Sum Vầy

Posted by QuocHung trên 10/11/2011

 Đêm nay, một trong rất ít lần, bảy chị em cùng có mặt đầy đủ bên nhau. Không phải họp mặt trong một lần vui như thường khi, thường lúc mà để tiển đứa em trai thứ năm đã sớm vội lìa đàn với nỗi đau xé lòng vừa chợt đến. Như thấu hiểu được nổi đau mất mát, chia lìa nầy, trời mưa tầm tả suốt đêm không dứt hạt. Đêm nay, mấy chị em cùng thức với em một lần cuối cùng đó Nguyên. Nguyên ơi!

Nhớ lại, ngày xưa, khi còn bé, chiều chiều chị thường bồng em đi chơi. Nơi thường đến là Chùa Ông và gần đó là thành Quốc Tế (còn gọi là thành Ban Tống) nơi làm việc của Uỷ ban kiểm soát đình chiến quốc tế. Các ông Tây ở đó thường ra nựng em và cho sôcôla ăn. Rồi có một lần, họ ẳm em vào trong thành chơi. Ở ngoài, chị chờ hoài không thấy họ ẳm em ra, sợ mất em, chị kêu gào và khóc thét lên. Nghe tiếng chị khóc, họ đưa em về với chị. Hai tay em cầm đầy bánh kẹo, nhưng chị thầm dặn lòng, từ đây về sau không bao giờ bồng em đến đó chơi nữa, lỡ họ bắt mất em thì sao?. Còn hiện tại, chị cũng đang khóc đây mà có ai trả em lại cho chị như ngày xưa đâu. Nguyên ơi !

Lớn lên một chút, bốn chị em mình theo Ba cùng với gia đình Cậu Tư Bốn đi Vũng Tàu nghỉ mát. Chị em  mình đến mấy kiốt ở Bãi Trước mua dừa tươi uống. Em chê: Dừa ở đây bán  mắc quá, ở Tân Châu rẻ hơn nhiều và trả giá. Bà bán dừa biểu Tân Châu rẻ về đó mà mua, em có nhớ không? Nay thì giá cuộc đời đắc quá mà em có trả giá được nữa đâu em. Rồi khi tắm biển, mình bị hụt chân, nhờ Cậu Tư cứu kịp, nếu không thì đã bị chết mất rồi. Bây giờ, không phải hụt chân mà là hụt cả đời người, không ai cứu được em nữa rồi.Nguyên ơi!

Nhớ lần giổ Má năm ngoái, khi có dấu hiệu bệnh, chị biểu em đi khám bệnh, em nói:khám rồi, bác sĩ ở Chợ Rẩy cho là không có gì nguy hiểm. Rồi đến giổ Ba, em cũng chưa đi khám lại vì nghĩ không sao. Mãi đến qua Tết, khi bác sĩ tìm ra chính xác được, thì bệnh đã nhiều. Em đã bỏ qua 4 tháng vàng ngọc. Chị cứ thầm hỏi, phải chi bác sĩ tìm ra được bệnh và điều trị sớm hơn ngay từ lúc đầu, em có được khỏi bệnh không ? Nếu, nếu, nếu …phải chi, phải chi, phải chi…đấy là những từ thường nói khi chuyện đã rồi, khi số phận nghiệt ngã đã an bài. Một an bài nghiệt ngã cho em tôi! Nguyên ơi!

 Ngày mai, 8 giờ sáng mai, bảy chị em bây giờ chỉ sáu đứa còn lại trên đời. Còn đau đớn, xót xa nào hơn cảnh tử biệt sinh ly nầy nữa. Tất cả sáu chị em ở đây, còn em, em đi xa mãi mãi, làm sao gặp lại nhau, có chăng chỉ là trong giấc mơ thôi, đau lòng, đau lòng lắm Nguyên ơi!!!

 

Posted in Uncategorized | 1 Comment »

VĨNH BIỆT DƯƠNG QUỐC HÙNG

Posted by QuocHung trên 08/11/2011

Một phút xa chơi ngàn đời cách biệt

Chỉ còn đây bao nuối tiếc thương buồn


Vẫn biết :Sống như mây , Đời như mộng , Sinh tử là luật vô thường ; Nhưng sự ra đi của em tôi – DƯƠNG QUỐC HÙNG tự Nguyên – là một mất mát quá lớn , không gì bù đắp được với tôi , gia đình với người thân thuộc và với tất cả bạn bè .

Nguyên ơi ! Một chỗ dựa vững chắc trong một gia đình đã ngã xuống , để lại phía sau đó những giọt nước mắt ngưng đọng của từ nhiều ngày qua , khi biết số phận căn bệnh đã dành cho em , bừng dâng và vỡ òa tuôn chảy .

Nguyên ơi ! Con em ở đây , vợ em ở đây , chị đang ở đây, còn em đang ở nơi đâu ? Vợ em thì thân đơn cô quạnh , con em có biết đủ đương sức với những khó khăn , biết có phủ ấm được cho nhau khi không có em ở bên cạnh .

Nguyên ơi ! Rồi những đêm lạnh , trời trở gió , một nắm đất gò , một tấm đá thô thôi , đâu ấm nổi chỗ em nằm . Chỗ em nằm , nơi cô đơn quạnh vắng , chỉ có em với nắng , với mưa cùng gió cát . Nhớ em , nghĩ tới chỗ em nằm , nghe xót xa đến dường nào !

Nguyên ơi ! Còn biết bao nhiêu thứ chuyện của nhà mình , bao điều phía trước chưa hoàn thành , em đã ra đi. Sự ra đi vội vàng của em làm thắt lòng chị, em ơi ! Thắt lòng những đứa em đang chờ gởi gấm ở anh mình bao điều bức xúc mà nay thành yên lặng , yên lặng mãi mãi !

Nguyên ơi ! Một cuộc sống mới em đang bắt đầu chỉ có em biết , chỉ có em hay . Với những bổng bay đưa em vào cõi Vĩnh Hằng . Em hãy thanh thản vui chơi đi em của chị . Nuối tiếc , thương buồn hãy gởi lại đây thôi .

Viết một đôi dòng cảm nghĩ về cuộc rong chơi ngàn đời của em tôi – DƯƠNG QUỐC HÙNG -tự NGUYÊN .

DƯƠNG THỊ VÂN KHANH

Posted in Vân Khanh | 2 Comments »